VĐV Đặng Thị Linh Phượng. Ảnh: Lê Hải - Việt Hải/TTXVN |
Từ quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình nữ vận động viên cử tạ khuyết tật Đặng Thị Linh Phượng luôn dõi theo quá trình thi đấu của cô tại ASEAN Para Games 9, tổ chức ở Malaysia. Và niềm vui như vỡ òa vào chiều 19/9, khi Linh Phượng xuất sắc đoạt huy chương vàng với thành tích 100 kg, phá kỷ lục cũ được lập ra tại kỳ đại hội trước là 93 kg.
Trước khi lên đường thi đấu ASEAN Para Games 9, chia sẻ với phóng viên TTXVN, Linh Phượng cho biết: Tôi sẽ nỗ lực hết mình và phải vượt qua được giới hạn của bản thân để nâng cao thành tích cá nhân tại giải đấu. Linh Phượng đã đạt được mục tiêu trong sự thán phục của những đối thủ cùng thi đấu và đông đảo khán giả.
Ông Đặng Bình Trị, bác ruột của Linh Phượng - người đã chăm sóc, nuôi dưỡng cô từ nhỏ phấn khởi nói: Khi biết tin Linh Phượng giành huy chương vàng, cả gia đình đều vui mừng và tự hào. Để chuẩn bị cho ASEAN Para Games 9, Linh Phượng đã tập luyện rất vất vả, thường xuyên bị chấn thương ở tay và vai. Nhìn cháu luôn phải dùng các loại thuốc điều trị chấn thương khi trở về nhà, gia đình ai cũng xót lòng, chỉ biết động viên để cháu tập luyện và thi đấu đạt kết quả cao.
Ông Đặng Bình Trị chia sẻ thêm: Ban đầu, khi Linh Phượng muốn đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp, gia đình ai cũng lo lắng vì thấy cử tạ là môn thể thao nặng nhọc trong khi cháu là con gái lại bị khuyết tật ở chân. Nhưng thấy cháu ngày càng đam mê với cử tạ, gia đình ai cũng ủng hộ và động viên. Những thành tích mà Linh Phượng đạt được trong quá trình thi đấu thể thao khuyết tật xứng đáng với những nỗ lực mà Phượng đã bỏ ra.
Nữ vận động viên Đặng Thị Linh Phượng sinh sống cùng bác ruột tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi vừa chào đời, Linh Phượng đã bị khuyết tật ở chân, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ba mẹ đã gửi Linh Phượng vào cô nhi viện. Không muốn cháu lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cảm gia đình, bà nội và bác ruột đã đón Linh Phượng về chăm sóc.
Khi sống với bà nội và bác, Linh Phượng được một người hàng xóm tốt bụng đến dạy học và hỗ trợ tiền mua sách vở, dụng cụ học tập. Với tính chuyên cần, chịu khó, Linh Phượng hoàn thành chương trình lớp 5 khi tự học tại nhà. Cũng chính người hàng xóm tốt bụng đã giới thiệu Linh Phượng đến với lớp dạy nghề khảm tranh dành cho người khuyết tật. Sau những ngày tháng miệt mài học nghề, Linh Phượng đã hoàn thiện tay nghề và được cấp chứng chỉ nghề loại khá. Gần 1 tháng sau khi nhận chứng chỉ, Linh Phượng được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Khi vừa tròn 20 tuổi với công việc ổn định, bà nội qua đời khiến Linh Phượng như thu mình vào vỏ ốc riêng của bản thân. Các đồng nghiệp cảm thông với hoàn cảnh của Linh Phượng nên khuyên cô đi tập thể thao để quên đi nỗi buồn. Linh Phượng tìm đến môn cử tạ và dần dần đi theo con đường chuyên nghiệp dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc.
Lần đầu tham gia thi đấu tại ASEAN Para Games năm 2011, Linh Phượng đã đoạt huy chương vàng. Sau đó, Linh Phượng liên tiếp đoạt huy chương bạc hệ vô địch châu Á, huy chương bạc hệ vô địch châu Á mở rộng và huy chương vàng Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2015. Đặc biệt, năm 2016, nữ vận động viên khuyết tật Linh Phượng tham dự Paralympic tại Brazil và giành huy chương đồng ở hạng cân dưới 50 kg với thành tích cử tạ 102 kg.