Vận động viên Vương Châu. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Vương Châu
chia sẻ, năm lên 4 tuổi anh bị sốt bại liệt toàn thân. Gia đình đã tìm đủ mọi cách
để chữa chạy cho anh, gồm cả vật lý trị liệu. Đến năm anh học lớp 5 cơ thể mới dần hồi
phục, nhưng không được hoàn toàn. May mắn là anh vẫn có thể đi lại được dù đôi chân
bị ảnh hưởng không nhanh nhẹn được như người bình thường. Mỗi khi muốn đứng dậy,
anh phải chống tay lấy đà.
Mặc dù chân
tay như vậy, nhưng khi đó cậu bé Châu quê ở Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định vẫn rất
ham thích các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá. Trong những năm học cấp 1, cấp
2, cậu thường trốn ba mẹ ra sân chơi bóng cùng bạn bè. Ba Châu thường la mắng
không cho chơi, bởi hầu như lần nào anh cũng về nhà với các loại thương tích.
Do đôi chân như vậy, Châu không thể né tránh các pha va chạm khi chơi bóng như
người bình thường. Kết quả là cậu thường xuyên bị té ngã, có khi trật cả khớp
tay khớp chân. Khắp người chỗ nào cũng có vết trầy xước.
Niềm đam
mê ấy đã theo Châu suốt những năm học phổ thông. Năm 2003, khi được ba đưa lên Thành
phố Hồ Chí Minh ôn thi đại học, anh đã nằng nặc đòi ba dẫn đến trung tâm thể
thao dành cho người khuyết tật khi nghe tin về trung tâm này. May mắn Châu đã gặp thầy Đặng
Văn Phúc, HLV trưởng đội tuyển điền kinh người khuyết tật Việt Nam hiện nay. Thầy nhận
ra năng khiếu và niềm đam mê thể thao ở Châu nên đã giới thiệu anh vào tổ điền kinh,
nội dung ném lao, ném đĩa và đẩy tạ.
Cuối năm
đó diễn ra ASEAN Para Games tại Hà Nội,Châu đã thi đấu và giành được 1 HCVở nội dung
ném đĩa. Sau đó, những thành tích cấp khu vực lần lượt đến với Châu. Từ tấm HCB
và HCĐ Para Games năm 2005 tại Philippines, anh liên tục giành được HCV tại các
kỳ đại hội sau đó. Tại Para Games năm nay ở Malaysia, Châu đã đoạt được 2 HCV.
Vương Châu
là người khá vui vẻ và lạc quan, một điều dễ nhận thấyở nhữngham thíchhoạt động
thể thao. Như chính anh thừa nhận, nếu không có thể thao, một người khuyết tật
như anh “chắc sẽ buồn lắm”. Ngay cả khi tập trung luyện tập chuẩn bị cho Para
Games lần này, anh và các bạn trong tổ điền kinh cũng thường rủ nhau đá bóng vào
những lúc rảnh rỗi. Khi về phòng, toàn thân đau ê ẩm do bị ngã nhiều, nhưng không
vì thế mà anh từ bỏ đam mê của mình. Rồi những lần bị chấn thương hay không đạt
được kết quả như ý muốn, chính niềm đam mê ấy đã giúp anh đứng dậy để đi tiếp.
Cũng
theo Vương Châu, thể thao đã mang đến cho anh rất nhiều thứ. Trước hết là cơ hội
được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, từ các quan chức, huấn luyện viên và bạn
bè đồng nghiệp trong làng thể thao khuyết tật, cho đến bạn bè các nước trong
khu vực và tất nhiên là cả những người hâm mộ thể thao. Cuộc sống của anh như
được mở rộng ra, niềm vui theo đó cũng nhân lên.
Châu tâm
sự, mỗi lần giành được HCV là mỗi lần có cảm xúc khác nhau, nhưng lần nào cũng
là sự tự hào khi được nghe Quốc ca của Việt Nam vang lên trên đấu trường khu vực.
Anh rất vui khi những cố gắng trong luyện tập và thi đấu của mình có được thành quả
như vậy. Đó là một món quà tuyệt vời mà thể thao mang lại cho những vận động viên
như anh.
Cũng
theo Vương Châu, để anh có thể sống với niềm đam mê của mình không thể không nói
đến sự hỗ trợ to lớn của gia đình, nhất là của người vợ hiền. Gia đình anh đang
sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh cho biết, đằng sau những thành tích của
bản thân anh là bóng dáng của người vợ hiền. Vợ anh, chị Nguyễn Quỳnh Vân vừa làm việc
tại một công ty trong thành phố, vừa đảm nhiệm lo toan việc nhà để chồng chuyên tâm
thi đấu. Hiểu tính chồng, hiểu được sự đam mê của chồng nên chị ít khi phàn nàn,
dù rằng anh thường đi luyện tập về muộn, lại hay xa nhà, thời gian dành cho vợ
con không được nhiều. Vương Châu rất biết ơn sự cảm thông và chia sẻ của vợ mình.
Đó thực sự là một động lực lớn đối với anh.
Với các
bạn không may bị khuyết tật như mình, Vương Châu chia sẻ, các bạn hãy mạnh dạn gạt
bỏ mặc cảm tật nguyền sang một bên. Hãy tận hưởng cuộc sống này, hãy sống với những đam
mê của mình, cố gắng cống hiến hết mình, vì xã hội và vì chính bản thân mình.