Xung quanh vụ bê bối thịt ngựa giả bò: Khi trái tim cố ý để trên đầu...

Vụ bê bối đánh tráo thịt bò bằng thịt ngựa đang gây ra "địa chấn" trên toàn châu Âu. Không phải "mất bò mới lo làm chuồng", từ trước tới nay, Vương quốc Anh nói riêng, các nước châu Âu nói chung vẫn tự hào về các quy định chặt chẽ giám sát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, tình trạng gian lận thương mại vẫn cứ xảy ra khi đạo đức kinh doanh bị lãng quên.

 

Những con bò ở Anh đều được cấp "hộ chiếu" để giúp cơ quan chức năng tăng cường quản lý. Ảnh: Internet

 

Ngay sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm Ailen (FSAI) công bố kết quả xét nghiệm ADN hôm 16/1 cho thấy trong 27 mẫu bánh hamburger thịt bò thì có tới 10 mẫu chứa thịt ngựa, vụ bê bối đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra khắp châu lục. Tại Anh, "bóng ma" thịt bò điên bỗng chốc lại chập chờn trong ký ức của nhiều người dân.

 

Mờ mắt vì lợi nhuận


Ở nước Anh, ngựa là con vật được yêu thương, gần gũi với con người. Vì thế, ăn thịt ngựa bị coi là điều cấm kỵ, và hành động gian lận khi bị phanh phui đã gây sốc trong xã hội. Dư luận còn lo ngại các loại thuốc thú y và vắcxin có trong thịt ngựa sẽ chuyển sang người, gây hại cho sức khỏe.


Không phải các nhà sản xuất và cung ứng thịt không biết điều này. Vậy do đâu mà họ vẫn cố tình làm liều, bất chấp luật pháp và lợi ích của người tiêu dùng? Câu trả lời thật đơn giản: lợi nhuận. Giá mỗi kg thịt ngựa chỉ khoảng 2,6 euro (khoảng 71.500 đồng VN) trong khi thịt bò là 5,20 euro. Mức chênh lệch rõ rệt khiến người kinh doanh đưa số ngựa dư dôi ở một số nước châu Âu vào lò mổ, rồi từ đó "gia nhập" đường dây khá phức tạp để che mắt nhà chức trách và trốn thuế, cuối cùng có mặt tại những siêu thị lớn như Tesco, Carrefour, Findus... Giờ đây, khi sự việc vỡ lở, ông chủ các siêu thị nhớn nhác ra lệnh thu hồi sản phẩm và đồng thanh xin lỗi người tiêu dùng. Nhưng thật chẳng dễ lấy lại được niềm tin trong bối cảnh nỗ lực điều tra dường như vấp phải "vách đá" bởi tính chất phức tạp của đường dây buôn thịt ngựa.

 

Bò mang hộ chiếu, chó gắn chíp


Sau hàng loạt vụ bùng phát dịch bệnh liên quan tới thực phẩm với nhiều ca tử vong, Anh đã quyết định thành lập Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) vào năm 2001 để tăng cường giám sát và chủ động ngăn chặn nguy cơ vi phạm. Ngoài những chế tài xử phạt, FSA còn nỗ lực vươn tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công nghiệp quan trọng này. Khi dịch bệnh bò điên lên đến đỉnh điểm cách đây hơn 10 năm, Anh ráo riết triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Kể từ đó, mỗi chú bò sinh ra hay được nhập vào nước Anh đều phải mang một cuốn "hộ chiếu" có mã số CPP52 do Cơ quan Quản lý hoạt động vận chuyển gia súc (BCMS) cấp.


Toàn bộ thông tin về con bò như nơi "khai sinh", cửa khẩu nhập cảnh, thời điểm "khai tử", tiền sử bệnh tật, quá trình vận chuyển, chủ sở hữu... được lưu trong cơ sở dữ liệu Hệ thống Kiểm soát gia súc (CTS) mà cuốn "hộ chiếu" là tấm bằng chứng nhận quan trọng. Chủ chăn nuôi và vận chuyển gia súc phải đăng ký thông tin chi tiết về từng con bò trên mỗi cuốn "hộ chiếu" này để giúp cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện và dập dịch nếu xảy ra. Tháng 8/2011, BCMS phát hành "hộ chiếu" một mặt được coi là giấy tờ "bất li thân" của bò mà chủ chăn nuôi phải đi đăng ký chậm nhất là 27 ngày sau khi chú bò chào đời. Không có tấm "hộ chiếu" này, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, bò khó có thể "di chuyển" và trở thành nguồn cung ứng thực phẩm.


Trong một diễn biến mới nhất của vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò, ngày 21/2, FSA khẳng định 3 mẫu sản phẩm của Công ty Chế biến thịt băm (BMC) trụ sở ở xứ Wale có kết quả kiểm định dương tính với thịt ngựa. Hiện BMC đã thu hồi toàn bộ các sản phẩm này ra khỏi thị trường tiêu dùng. Lãnh đạo BMC thừa nhận họ đã nhập nguyên liệu từ Công ty chế biến thịt Farmbox mà trước đó đã có 3 người bị bắt để điều tra.

Không chỉ có bò, những chú chó cảnh ở xứ sở sương mù cũng được gắn "vòng kim cô" để dễ bề kiểm soát bệnh tật và truy tìm khi thất lạc. Đó là một con chíp hiện đại chỉ nhỏ bằng hạt gạo được cấy dưới da ở bả vai con chó. Mỗi con chíp chứa 15 chữ số, trong đó 3 số là mã nhận diện tỉnh/thành phố, 12 số còn lại là thông tin nhận dạng, địa chỉ liên lạc của từng chú chó. Tất cả đều được lưu trữ tại trung tâm cơ sở dữ liệu để bất cứ lúc nào thất lạc con thú cưng của mình, thân chủ có thể "niệm thần chú" để tìm lại.


Chắc hẳn, sau vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò, cơ quan chức năng sẽ siết chặt các quy định hiện hành và áp dụng thêm những biện pháp mới, hiện đại hơn nhằm tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhưng liệu công nghệ tiên tiến có thực sự phát huy hiệu quả, nếu doanh nhân vẫn mờ mắt vì lợi nhuận. Khi đó, vòng luẩn quẩn tái xuất hiện và lợi ích người tiêu dùng lại được mang ra để hiến tế.


Lê Phương (P/v TTXVN tại Luân Đôn)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN