Việc làm không chính thức ”lên ngôi” ở Hy Lạp

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao nhất trong Khu vực đồng euro (Eurozone) nên tìm kiếm việc làm khó khăn, nhiều lao động trẻ ở Hy Lạp đã phải chấp nhận những công việc không chính thức.


Các số liệu cho thấy số việc làm không chính thức ở Hy Lạp, một trong những nền kinh tế yếu nhất ở Eurozone, đang tăng nhanh chóng. Trong nửa đầu năm nay, số lao động không chính thức chiếm 35% trong tổng số 30.000 lao động, tăng 5% so với năm 2011.


Hơn một nửa trong số lao động không chính thức là người Hy Lạp và 41% là người nhập cư. Đa phần trong số họ làm việc trong lĩnh vực xây dựng hoặc doanh nghiệp mang tính chất gia đình như các nhà hàng, quán cà phê, quầy bar và các cửa hàng.


Số người tự kinh doanh ở Hy Lạp, một dấu hiệu khác về sự gia tăng việc làm không chính thức, hiện chiếm 31% lực lượng lao động, gấp đôi mức trung bình ở Eurozone.


Thời khủng hoảng, giới trẻ Hy Lạp phải chấp nhận những việc làm không chính thức. Ảnh: Internet


Những nỗ lực của các nhà tài trợ quốc tế của Hy Lạp trong việc nới lỏng các luật lao động khắt khe đang bị chỉ trích là chỉ làm các vấn đề thêm tồi tệ, khi cho phép các công ty lách luật bằng cách ký các hợp đồng lao động bán thời gian, theo đó trả cho người lao động một khoản nhỏ nhất có thể trên giấy tờ và phần còn lại là không ghi sổ sách.


Tổng Thư ký nghiệp đoàn lao động trong lĩnh vực tư GSEE, Nikos Kioutsoukis nói nhiều doanh nghiệp, thậm chí là những doanh nghiệp có lãi, đang lợi dụng khủng hoảng. Ông cho rằng các chính sách của chính phủ Hy Lạp theo yêu cầu của các nhà tài trợ đang đẩy giới trẻ tới thị trường lao động không chính thức và có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.


Tìm kiếm việc làm ở Hy Lạp khó khăn đến mức có được một công việc không chính thức đã là điều may mắn, ngay cả khi người lao động không chắc nhận được tiền lương như đã được hứa hẹn.


Các chuyên gia của EU cũng cho rằng việc làm không chính thức là một vấn đề lớn của Hy Lạp, gây nguy hiểm cho hệ thống an sinh xã hội của nước này. Chính phủ Hy Lạp vốn chịu sức ép từ các nhà tài trợ trong việc tăng nguồn thu thuế, đã cam kết đẩy lùi tình trạng này bằng việc tăng phạt và tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp trong việc tuân thủ luật lao động.


Mặc dù những cải cách đối với luật lao động đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thuê và sa thải nhân công, đồng thời làm giảm lương tối thiểu, người Hy Lạp vẫn đóng các khoản phí an sinh xã hội cao nhất ở châu Âu và đây là lý do để họ né tránh các hợp đồng lao động chính thức.


Sự thiếu tin tưởng vào hệ thống chính trị với nạn tham nhũng và bất công, mối quan hệ gia đình chặt chẽ, khuyến khích làm việc trong các công ty gia đình và một nền kinh tế nhiều khó khăn cũng tạo điều kiện cho việc làm không chính thức phát triển.



TKT (Theo Reuters)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN