“Vàng Baltic”, báu vật thời tiền sử

Khi mùa đông ập tới vùng biển Baltic của Ba Lan, những cơn bão lại đang xô những mẩu hổ phách quý giá có từ thời tiền sử lên bờ cát. Những dòng nhựa cây hóa thạch 40 triệu năm tuổi trở thành “nhiên liệu” cho hoạt động buôn bán từ hàng thế kỷ qua ở thành phố cảng Gdansk, khiến nơi đây nổi tiếng với tên gọi “thủ phủ hổ phách của thế giới”.


 

Căn phòng vô giá của “ông vua hổ phách” Lucjan Myrta ở Gdansk.

 

Ở Gdansk, hổ phách được biết đến với tên gọi “vàng Baltic”. Từ thời tiền sử, nó đã được chế tác thủ công thành các chuỗi hạt, bùa hộ mệnh hay vòng tay. Đó là minh chứng cho sức quyến rũ vô tận của loại báu vật hữu cơ này.


Rà soát các bãi biển địa phương để tìm kiếm quặng “vàng Baltic” quý giá là một nghề đã ra đời từ nhiều thế kỷ tại đây, nếu không muốn nói là từ hàng thiên niên kỷ. Nó đã trở thành niềm đam mê cả đời với Wlodek Janowski, võ sĩ quyền Anh nghiệp dư và là thợ máy 53 tuổi đã nghỉ hưu. Một “cơn bão tốt” thường mang đến cái mà Janowski gọi là “cơn sốt vàng Baltic”. “Sau một trận bão, có thể tìm được vài trăm gram hổ phách chỉ trong một ngày”, Janowski cho biết, trong lúc đang dốc ra khoảng hơn chục mẩu hổ phách từ chiếc túi ngực. Kho báu của ông gồm đủ màu, từ vàng mật ong cho tới màu mật đường sẫm, và có thể có kích thước của những quả bóng golf.


Ngày nay, giá hổ phách khởi điểm từ 10 euro/gram, nhưng có thể cao hơn nhiều tùy theo chất lượng từng loại. Những mẩu hổ phách bao chứa cả côn trùng, những con bò sát nhỏ hoặc thực vật thường hiếm và rất đắt. Mảnh hổ phách lớn nhất thế giới từng được biết đến nặng tới 9,75 kg, hiện đang được bảo quản ở Béclin (Đức). Theo các chuyên gia, nghệ thuật chế tác hổ phách đã có từ cách đây khoảng 5.000 năm.


Hổ phách vùng Baltic có nguồn gốc từ các cánh rừng tùng bách nguyên sinh cách đây 40 triệu năm ở nơi mà nay là bán đảo Scandinavia. Qua nhiều niên kỷ, nhựa rỉ ra từ thân của những cây thông cổ đại bị hóa thạch và cuốn trôi theo một con sông dài ra biển Baltic. Có tới hơn 300 loại hổ phách khu vực này, một số loại sáng lấp lánh như rượu sâmpanh với bong bóng khí li ti, số khác có các xoáy màu mật ong và bơ hòa quyện. Những mẩu hổ phách có màu xanh lá xen lẫn xanh da trời là hiếm nhất và giá trị nhất.


Ba Lan, Lítva và thành phố Kaliningrad gần đó của Nga là nơi tập trung quặng hổ phách lớn nhất thế giới, với trữ lượng ước tính lên tới 650.000 tấn. Các khu quặng có trữ lượng nhỏ hơn nằm rải rác khắp Trái Đất, từ Canađa cho tới Nam Mỹ và Ôtxtrâylia, từ châu Phi đến châu Á và cả Trung Đông.


Hiệp hội thợ hổ phách đầu tiên ở Gdansk ra đời từ năm 1477. Nghề này đã phát triển cực thịnh từ thế kỷ 16 đến 18, khi hổ phách được tầng lớp quý tộc ưa chuộng. Tuy vậy, ngày nay, ngành khai thác và chế tác hổ phách ở thành phố này đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và đã giảm tới hơn một nửa quy mô so với một thập niên trước.


Nếu Gdansk là kinh đô hổ phách của thế giới, thì Lucjan Myrta chính là ông vua chế tác hổ phách vô đối. Tại biệt thự mênh mông của ông ở ngoại ô Gdansk, Myrta đã tạo ra một căn phòng có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Phòng Hổ phách nổi tiếng ở St. Petersburg, báu vật đã biến mất trong Thế chiến II. Myrta là tác giả và chủ sở hữu của bộ sưu tập nghệ thuật hổ phách lớn nhất thế giới, với hàng trăm hiện vật quý. Trong số này có viên hổ phách thô lớn thứ hai thế giới, nặng 5,95 kg, và một chiếc rương hổ phách được chạm khắc công phu, cao tới 2,75 m. “Tôi không thể treo giá cho những báu vật này, đó là những đứa con từ tình yêu của tôi”, “ông vua hổ phách” nói.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN