Một số sinh vật ngoại lai xâm nhập một cách tình cờ. Số khác được người ta chủ động mang vào chỉ để cho vui hoặc vì lợi nhuận. Một số loài bé đến mức không ai chú ý tới chúng cho tới khi quá muộn. Chúng trở thành cơn ác mộng: Hủy diệt, chiếm mất đất sống và làm cho sinh vật bản địa nhiễm bệnh lạ.
Loài sóc xám châu Mỹ đe dọa sóc đỏ ở Anh. Ảnh: Internet |
Nghe có vẻ như một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Nhưng không, những sinh vật ngoại lai này thực sự đang tiến hành một cuộc xâm chiếm tàn khốc. Chúng có thể xâm chiếm chính khu vườn nhà bạn.
Chúng là những sinh vật mà con người mang đến nơi sinh sống mới. Ở nơi mới, chúng sinh sôi không kiểm soát, lấn át sinh vật bản địa và trở thành những loài phá hoại đáng sợ.
Ông Dave Richardson, giám đốc Trung tâm sinh vật ngoại lai thuộc trường Đại học Stellenbosch của Nam Phi, nói: “Các loài ngoại lai có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Ở một số nước, cái giá phải trả vô cùng to lớn”.
Ước tính sinh vật ngoại lai gây thiệt hại 1.400 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5% GDP toàn cầu. Con số này gây tranh cãi vì rất khó để xác định số liệu chính xác về mức độ thiệt hại này. Dù vậy, điều không cần phải bàn cãi là ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai rất lớn nếu chúng ta đưa nhiều loài tới những khu vực không phải là nơi sinh trưởng tự nhiên của chúng.
Theo Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN), sinh vật ngoại lai là mối đe dọa lớn thứ ba với các loài bản địa. Loài sóc xám châu Mỹ là một ví dụ. Nó xâm nhập vào Anh và thay thế dần loài sóc đỏ ở đây. Loài trăn Miến Điện sinh sống bằng cách ăn thịt các động vật có vú ở khu vực Everglades, bang Florida (Mỹ).
Cá chép châu Á – sinh vật ngoại lai gây hại cho nghề cá - bị vứt vào
sọt rác trên một con thuyền ở sông Illinois, Mỹ. Ảnh: Internet
Ở Mỹ, nông dân phải dùng không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu để diệt giống cỏ dại ngoại lai. Loài cá chép châu Á được nhập vào miền nam nước Mỹ để giúp dọn tảo trong các ao cá trê. Nước lụt đã khiến cá chép tràn ra hệ thống sông Mississippi, từ đó chúng sinh sôi nảy nở và đe dọa nghề cá ở vùng Hồ lớn.
Còn ở Trung Âu, nông dân phải bỏ hoang nhiều vùng đất rộng vì không làm gì nổi cây rong bèo khổng lồ có nguồn gốc châu Á. Loài thỏ châu Âu mà người Anh mang đến Australia và New Zealand đã trở thành thảm họa với người dân bản địa khi chúng tàn phá đồng cỏ và mùa màng.
Loài thỏ châu Âu này bị người Australia nguyền rủa vì phá hoại mùa
màng. Ảnh: Internet
Các sinh vật ngoại lai chu du khắp nơi theo hành trình của con người, đặc biệt trong thời đại mà thương mại toàn cầu bùng nổ. Thế giới đã chứng kiến loài trai zebra xâm nhập vào vùng nước của Mỹ sau khi bám vào các thuyền từ châu Âu tới. Loài ve verroa đến và quét sạch bầy ong mật ở nơi bản địa. Một loại nấm ngoại lai cũng sinh sôi nhanh chóng trong môi trường tự nhiên và chúng khiến loài ếch bị nhiễm bệnh chết. Khi số lượng ếch giảm, số lượng côn trùng có hai tăng nhanh chóng.
Ở nhiều quốc gia, kiểm soát biên giới thường lỏng lẻo và luật còn nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội cho nhiều nhóm lợi ích buôn bán động vật ngoại lai. Trong khi đó, chưa một nước nào có luật bắt những người đưa sinh vật ngoại lai tới nơi khác phải bỏ tiền để loại bỏ chúng.
Nhiều hiệp ước, công ước hợp tác quốc tế về ngăn ngừa động vật ngoại lai lại không đủ mạnh. Loại bỏ tận gốc mối đe dọa của sinh vật ngoại lai rất tốn kém và thường là nhiệm vụ bất khả thi vì nó đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
Ông Jean-Philippe Siblet, giám đốc bộ phận di sản tự nhiên thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Pháp, cho rằng phải có phương pháp thông minh khi loại trừ sinh vật ngoại lai. Các chuyên gia phải phân biệt dược loài nào có ích và loài nào có hại vì xét cho cùng, vấn đề sinh vật ngoại lai cũng giống như “sự toàn cầu hóa trong tự nhiên” – không thể ngăn chặn mà chỉ có thể hạn chế loài có hại.
Thùy Dương