Trung Quốc: Khi "một con" đã thành văn hóa

Ở tận Wisconsin, Mỹ, chính sách một con của Trung Quốc vẫn ảnh hưởng sâu sắc tới những người đã lớn lên với nó.


Điều này khiến cho Tiến sĩ Fuxian Yi nghĩ mình là một người khác biệt với những người bạn Trung Quốc ở đây khi có tới 3 người con.

Văn hóa một con

“Rất nhiều người hỏi ‘Tại sao ông lại có 3 con? Ông thật dũng cảm. Nuôi trẻ rất tốn kém’. Phần lớn họ có một hoặc hai con”, Tiến sĩ Yi, một nhà khoa học tại Đại học Wisconsin, Madison, người chuyển tới Mỹ sinh sống năm 1999, nói.

Tiến sĩ Fuxian Yi.

Kể từ khi Chính phủ Trung Quốc ngày 29/10 vừa qua công bố cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh hai con, nhiều bậc cha mẹ đã có một con nói rằng họ chưa sẵn sàng để có con thứ hai, phần nhiều do chi phí nuôi trẻ cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngoài lý do tài chính, có một vấn đề lớn hơn thế tác động tới các cặp vợ chồng này. Sau 4 thập kỷ tuyên truyền yêu cầu công dân hạn chế sinh đẻ và tập trung vào phát triển kinh tế, người dân nước này giờ đánh giá thành tựu của bản thân và gia đình thông qua thước đo kinh tế chứ không phải cảm xúc.

Lionel Jensen, Giáo sư ngôn ngữ và văn hóa Đông Á tại Đại học Notre Dame, nói trong email: “Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra văn hóa một con. Kể từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước và tiếp tục mạnh mẽ hơn sau năm 1992, các cơ quan cao nhất của chính phủ, cũng như lãnh đạo Trung Quốc lúc đó Đặng Tiểu Bình, đã kêu gọi người dân tìm kiếm giá trị của bản thân và gia đình trong việc kiếm tiền”.

“‘Làm giàu là vinh quang’ và ‘Bước chân ra biển thương trường’, những khẩu hiệu như vậy đã thuyết phục được nhiều cá nhân và gia đình rằng kiếm tiền là dấu hiệu quan trọng của thành công và là cách bảo vệ bản thân và tài sản của mình”, ông Jensen nói. Mỗi cặp vợ chồng có một con là “yêu nước, quyết đoán, và hợp lý về mặt kinh tế”.

Kết quả là năm 2013, khi có quy định cho phép sinh con thứ hai đối với cha mẹ là con một, số lượng người quyết định sinh con khá thấp.

Câu hỏi hóc búa

Làm sao để giải quyết tình trạng “ít trẻ con, nhiều người già” ngày một trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc, ảnh hưởng tới nền kinh tế khi lực lượng lao động giảm và chi phí chăm sóc người già tăng. Điều này đã trở thành câu hỏi hóc búa. Tiến sĩ Yi đã đưa ra một dự đoán táo bạo, rằng trong 2 năm tới, Trung Quốc sẽ buộc phải từ bỏ tất cả các quy định kế hoạch hóa gia đình.

Một bà mẹ đang mang thai con thứ hai ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.

“Sự thay đổi năm 2013 không đạt được những gì chính phủ kỳ vọng. Họ muốn có thêm 2 triệu trẻ em. Trong vòng 5 năm họ hy vọng dân số Trung Quốc có thêm 10 triệu trẻ em. Tuy nhiên, năm 2014, chỉ có thêm 10.000 trẻ được sinh ra, và năm 2015 là khoảng 300.000 trẻ”, Tiến sĩ Yi cho biết.

Theo ông Yi, tác giả cuốn sách chỉ trích chính sách một con của Trung quốc “Nước lớn với cái tổ trống rỗng” (Big country with an empty nest), kể cả những người Trung Quốc sinh sống tại Mỹ cũng có xu hướng chỉ sinh một con. Trong đó, một trong những lý do là nỗi lo sợ làm phật lòng cha mẹ ở quê nhà.

Ông Yi nói: “Một số người nếu mang thai con thứ hai, cha mẹ họ sẽ hỏi: ‘Tại sao lại có đứa nữa’. Họ sẽ khuyên con cái đi phá thai. Tôi có bạn bè ở Mỹ có ý định sinh con thứ hai. Họ còn chẳng dám nói với cha mẹ”.

Liệu tất cả những điều này có thể thay đổi, và nếu có thì là bao giờ? Theo Giáo sư Lionel Jensen, “quan niệm về gia đình đã thay đổi”, và kinh tế vẫn là một yếu tố chi phối quyết định sinh thêm con của các cặp vợ chồng.

“Chính phủ còn một chặng đường dài nếu họ muốn thay đổi mô hình nhân khẩu. Hy vọng, cũng là dự đoán của tôi, là hai năm nữa chính phủ sẽ cải cách toàn bộ các chính sách kế hoạch hóa gia đình. Đó sẽ là khó khăn lớn, thậm chí là sự xấu hổ với họ. Nhưng chính phủ đã quá nghiêm khắc trong thời gian dài. Sau cùng, đây là vấn đề cá nhân và gia đình!”, ông Yi nhấn mạnh.

Hạnh Nhân (Theo Nytimes)
Trung Quốc dừng chính sách một con:  Quyết sách muộn màng?
Trung Quốc dừng chính sách một con: Quyết sách muộn màng?

Kết thúc hội nghị trung ương 5 khóa XVIII, đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra một quyết định khiến cả thế giới chú ý: Chấm dứt chính sách một con được duy trì suốt mấy chục năm qua trong bối cảnh lo sợ dân số già hóa và nền kinh tế thiếu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, dường như các cặp vợ chồng Trung Quốc không mấy mặn mà với quyết định được giới chuyên gia đánh giá là muộn màng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN