Anh cho biết sau 7 ngày anh sẽ nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng thông báo về việc họ có liệt con sông này vào danh sách sông bẩn hay không.
Chiến dịch “Những dòng sông đen kịt và hôi thối” là chiến dịch chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc, trong đó chính phủ kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nước - nguồn tài nguyên không thể nào thay thế được. Chiến dịch mới này giúp người dân Trung Quốc ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nguồn nước sạch, đồng thời chủ động phát hiện và thông báo về các dòng sông, nguồn nước nhiễm bẩn với chính quyền. Với chiến dịch này, chính quyền Trung Quốc xác định ý thức của mỗi người dân là một thứ “vũ khí” mới chống vấn nạn ô nhiễm nguồn nước đang trở nên cấp bách.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện Quan hệ Công chúng và Môi trường Bắc Kinh cho biết, đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc thực sự gắn kết một chiến dịch môi trường với nhân dân, kêu gọi từng người dân tham gia giúp đỡ đất nước dọn sạch những dòng sông ô nhiễm chứ không chỉ hô hào lý thuyết suông.
Sông Xiaolong đầy rác thải. |
Chiến dịch ra đời trong bối cảnh xấp xỉ 80% trong tổng số 300 thành phố ở Trung Quốc không hề quan tâm tới quy trình xử lý nước thải. Và cũng có tới 80% nguồn nước ngầm tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này không thể uống được do bị nhiễm bẩn, nhiễm kim loại nặng. Vì vậy, chương trình mới của chính phủ đang đem tới niềm hy vọng cho các công dân như Shi Dianshou, những người mong muốn được sống ở môi trường trong sạch hơn. Rõ ràng chiến dịch này đã lan tỏa đúng hướng. Người dân Trung Quốc ở hơn 200 thành phố đã báo cáo thành công về khoảng 2.000 dòng sông bẩn. Đáp lại, Cục quản lý nước Bắc Kinh đã cam kết sẽ dọn sạch tất cả các con sông trong danh sách vào cuối năm 2017.
Ngoài ra, ông Ma Jun đã hợp tác với Bộ Môi trường Trung Quốc tạo ra một ứng dụng mạng xã hội có tên Blue Map (Bản đồ xanh). Chỉ với một cú chạm màn hình điện thoại, Blue Map sẽ cho phép người dân kiểm tra dữ liệu về lượng khí và nước mà hàng nghìn nhà máy ở Trung Quốc thải ra mỗi ngày, được cập nhật mới sát đến từng giờ. Nếu được chính phủ cho phép đưa vào sử dụng, Blue Map sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích, biến người dân thành lực lượng đắc lực cho chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống nạn ô nhiễm.
Song hành với chiến dịch “sức mạnh nhân dân”, chính phủ Trung Quốc mới đây cũng ban hành chính sách “Mười kế hoạch nước”, siết chặt vấn đề xả nước thải công nghiệp, tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường. Theo đó, các khu công nghiệp không đạt chỉ tiêu cắt giảm ô nhiễm sẽ bị xử phạt nặng hoặc buộc phải đóng cửa.
Trung Quốc là quốc gia chiếm gần 1/5 dân số thế giới nhưng chỉ có được 7% tài nguyên nước trên trái đất, nhiều vùng phía bắc nước này còn khô cằn hơn cả Trung Đông. Thế nhưng, đã nhiều năm qua, mỗi lần bàn tới chủ đề nguồn nước ở quốc gia này thì mọi người đều nhớ ngay đến hình ảnh những con sông đặc quánh nhuốm màu vàng cam, xanh lét hay đỏ như máu do bị nhiễm bẩn. Kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy từ 2.103 giếng nước tại các lưu vực lớn ở vùng đồng bằng miền đông do Bộ Nguồn nước Trung Quốc công bố hồi tháng 4 vừa rồi đã khiến người dân không khỏi hoang mang. Chỉ 32,9% số giếng nước phù hợp sử dụng trong hoạt động công nghiệp và nông nghiệp, trong khi 47,3% không thể sử dụng cho sinh hoạt của con người, dù dưới hình thức nào. Theo Tân Hoa xã, nước ô nhiễm là nguyên nhân gây ra ít nhất 247 “làng ung thư” trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là dọc theo các con sông chảy qua khu công nghiệp, nhà máy lớn. Ngoài ra, vấn nạn ô nhiễm nguồn nước và không khí mỗi năm còn làm nền kinh tế bị thất thu khoảng 6% GDP, do tác động xấu tới sức khỏe người dân, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, thiệt hại trong nông nghiệp và du lịch.