Hiện nay tại Nhật Bản, trò chơi điện tử không chỉ phổ biến trong giới trẻ mà còn được cả những người cao tuổi hết sức ưa chuộng. Các chuyên gia cho rằng đây là một thể loại giải trí vừa có lợi cho tinh thần, vừa có lợi cho sức khỏe của bậc cao niên.
Chơi để khỏe
Tại một viện dưỡng lão ở ngoại ô thủ đô Tokyo, cụ ông Saburo Sakamoto 88 tuổi đang thoăn thoắt các ngón tay để “tóm” những nhân vật hoạt hình xuất hiện trên màn hình cảm ứng. Trong khi đó, ở phía bên kia phòng, một tràng cười rộ lên từ nhóm các cụ ông, cụ bà tuổi bát tuần đang dùng búa bọt biển “tấn công” các chú ếch hoặc cá sấu nhựa thoắt ẩn thoắt hiện từ lỗ nhỏ trong máy trò chơi.
Cụ bà hồ hởi khi chơi trò "Dokidoki Hebi Taiji II". |
Cụ ông Sakamoto tỏ vẻ thán phục khi một vài cụ bà đã nhanh chóng vượt điểm trong trò chơi mà cụ đang thử sức và hóm hỉnh tâm sự: “Các quý bà ở đây quá nhanh nhẹn, vì vậy việc đánh bại họ thực sự là ‘nhiệm vụ bất khả thi’ đối với tôi”.
Bên trong viện dưỡng lão đặc biệt này, các nhân viên thậm chí đã treo một tấm bảng to lên tường để ghi lại thành tích trong cuộc thi ai là người chơi “cao thủ” nhất.
Trò chơi được ưa chuộng hàng đầu của các bậc cao niên là "Dokidoki Hebi Taiji II" với thể thức là người chơi sẽ ngồi tại chỗ và ghi điểm bằng cách dậm chân vào những con rắn nhựa đột ngột chồi lên từ các “hang” trong mô hình trò chơi.
Các nhà lập trình cho biết hoạt động thể chất trong trò chơi này hỗ trợ tăng sự dẻo dai cho cơ chân và cơ hông của người chơi, điều mà các bác sĩ nhấn mạnh sẽ rất hiệu quả trong việc giảm tai nạn do ngã ở người cao tuổi.
Theo nhận xét của bác sĩ Shinichiro Takasugi thuộc đại học Kyushu, chơi trò này còn đồng thời làm tăng lượng máu chảy lên não, đặc biệt là thùy trán, hỗ trợ làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Bác sĩ Takasugi bổ sung: “Trò chơi là công cụ hiệu quả để làm mới tinh thần của người cao tuổi trong khi họ thường có xu hướng ở lỳ trong nhà và cách ly với xã hội”.
Trong khi đó, y tá Miyuki Takahashi nhận xét dựa trên trải nghiệm thực tế rằng: “Rất khó để kiểm chứng được cụ thể lợi ích đối với sức khỏe từ những bài luyện tập này nhưng hiệu ứng tâm lý thì không thể tranh cãi, khuôn mặt của các cụ ông ,cụ bà dường như rạng rỡ hơn khi họ chơi những trò chơi đó”.
Không đơn thuần là giải trí
Viện dưỡng lão tràn ngập năng lượng nói trên được một chi nhánh của Namco Bandai, công ty đã tạo ra hiện tượng trò chơi điện tử PacMan, điều hành. Hiện nay Namco Bandai là một phần của nhóm chuyên phát triển trò chơi điện tử và trò chơi giải trí đặc thù tại nhà dành riêng cho “thế hệ bạc”, cụm từ để chỉ những người cao tuổi tại Nhật Bản.
Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng dân số bị già hóa, theo thống kê của Bộ Y tế nước này năm 2013, với 1/4 dân số trên 65 tuổi. Người cao tuổi Nhật Bản đang trở thành đối tượng tiêu dùng được các nhà kinh doanh nhắm tới, và với các nhà sản xuất trò chơi cũng không phải là một ngoại lệ.
Công nghệ tiên tiến hiện nay đã thay đổi phương thức của trò chơi điện tử, không chỉ là ngồi một chỗ chăm chú nhìn vào màn hình và ấn nút điều khiển mà thay vào đó còn góp phần giúp người chơi khỏe mạnh và cân đối hơn.
Một ví dụ điển hình là loại cảm biến chuyển động Kinect được hãng Microsoft phát triển cho trò chơi Xbox. Các nhà vật lý trị liệu đã hợp tác với các công ty điện tử để tạo ra sản phẩm giải trí đặc biệt giúp tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai bởi người chơi phải vận động để trải nghiệm trò chơi.
Nhà vật lý trị liệu Keizo Sato nhận định: “Tôi nghĩ cái gọi là “trò chơi luyện tập” sẽ là công cụ hữu dụng góp phần kìm hãm lại tình trạng giá thuốc chữa bệnh đang tăng lên mạnh mẽ ở Nhật Bản”.
Hà Linh