Theo trang Oddity Central (Anh), Nhật Bản được biết đến là một trong những vùng đất thanh bình và yên tĩnh nhất hành tinh. Tuy nhiên, với trên 90% trong tổng số 126 triệu dân sống trong các khu vực đô thị, ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành vấn nạn trong cuộc sống thường ngày.
Những khiếu nại về tiếng ồn đã gia tăng ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, trong đó cảnh sát ghi nhận mức tăng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/2020. Đó cũng là thời điểm chính phủ đóng cửa các trường học và khuyến cáo người dân nên làm việc từ xa vì dịch COVID-19.
Nhật Bản thậm chí còn đặt ra một thuật ngữ đặc biệt chỉ những người gây ồn ào hay có hành động gây phiền phức nơi công cộng, coi thường những người xung quanh, đó là “dorozoku”, hay còn gọi là "bộ lạc đường phố”.
Chính vì vậy, một website có tên DQN Today, hay còn được gọi là bản đồ Dorozoku, đã ra đời. Đây là sản phẩm trí tuệ của một nhà phát triển trang web tự do. Sau khi nhận thấy bản thân không thể làm việc do tiếng ồn của những đứa trẻ sống xung quanh mình, người đàn ông giấu tên đã quyết định tạo một trang web cung cấp dịch vụ cộng đồng trực tuyến, nơi mọi người có thể chia sẻ với nhau về những khu vực có “dorozoku”.
Bản đồ nhằm mục đích chỉ dẫn mọi người tránh xa những khu vực quá ồn ào, nơi có tiếng hàng xóm cãi vã, tiếng ồn do trẻ em quấy khóc hay chơi đùa trên đường phố.
Ban đầu, DQN Today gần như không nhận được chú ý. Tuy nhiên, khi hiện tượng dorozoku ngày càng phổ biến hơn ở Nhật Bản, trang web này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, khi nhiều người phải ở nhà suốt một khoảng thời gian dài, ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành một vấn đề gây khó chịu nghiêm trọng trên khắp đất nước.
DQN Today, hiện có hơn 8.000 lượt đăng ký trên khắp Nhật Bản. Quản trị viên sẽ xem xét tất cả các khiếu nại về ô nhiễm tiếng ồn gửi đến trang web, lọc ra những thông tin vô căn cứ (dựa trên thù hận cá nhân, vu khống, phân biệt đối xử) để cập nhật bản đồ, bổ sung các địa điểm mới cùng với lời nhận xét của người gửi mô tả.
“Giọng của một đứa trẻ sống trong khu dân cư quanh đây không ồn ào, nhưng nó giống như một con khỉ trong vườn thú phát ra âm thanh kỳ lạ”, mô tả về một địa điểm dorozoku gần thành phố Kashiwazaki cho biết.
“Mặc dù không xảy ra hàng ngày, nhưng đôi khi những đứa trẻ tại đây vừa chơi bóng trên đường vừa la hét”, một chỉ dẫn khác cho một địa điểm ở thành phố Kawasaki, viết.
Trong những năm qua, ở một số khu vực Nhật Bản, người dân đã vận động không xây dựng trường mẫu giáo. Người dân Kobe đã kiện một trường mẫu giáo vào năm 2016 vì tiếng ồn tại sân chơi. Tuy nhiên, vụ kiện đã bị bác bỏ vào năm 2017.
Ở Tokyo, một số công viên đã dán biển quảng cáo "cấm gây ồn" vì người dân quanh khu vực phàn nàn. Công viên Nishi-Ikebukuro ở Toshima thậm chí đã cấm 45 hoạt động khác nhau, chẳng hạn như trượt ván, nhảy dây và bóng đá. Một quan chức địa phương cho biết, lệnh cấm bắt nguồn từ những lời phàn nàn của cư dân sống xung quanh công viên.
Bản đồ dorozoku đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi cả ở Nhật Bản và nước ngoài. Những người ủng hộ dự án cho rằng đây là một cách phàn nàn về vấn đề tiếng ồn do hàng xóm và trẻ em gây ra mà không cần đối đầu với họ. Trong khi đó, nếu trực tiếp nói chuyện với cha mẹ của trẻ sẽ chỉ gây ra xung đột.
Trái lại, những người khác không ủng hộ sử dụng bản đồ này cho rằng nó đang thúc đẩy hành vi chống đối xã hội ở Nhật Bản. Điều này đang được nhiều người coi là biểu tượng cho sự thiếu khoan dung đối với hành vi thông thường của trẻ nhỏ và những tiếng ồn trên đường phố.
"Các cộng đồng nhộn nhịp thường có đầy tiếng ồn. Đây được coi là hành vi vô cùng thô lỗ của người dùng trang web", một người bình luận.
Trong khi đó, người sáng lập trang web cho biết anh không phàn nàn hay có vấn đề gì với việc trẻ em chơi bên ngoài đường phố. Tuy nhiên, một số phụ huynh để con mình chơi trước cửa nhà người khác hàng giờ đồng hồ là một hành động nguy hiểm và khó chịu, đôi khi có thể dẫn đến tai nạn trên đường.
“Một số người làm việc ở bệnh viện hoặc làm ca đêm đã gặp vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ, vì ban ngày quá ồn ào. Chính tôi đã phải chịu đựng điều này. Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người đang vô cùng đau khổ, tổn thương và suy sụp về thể chất lẫn tinh thần mà không thể giải quyết được vấn đề của họ”, chuyên gia công nghệ thông tin giấu tên, người sáng lập DQN Today, viết.
Anh cũng cho biết thêm sau khi nhận được thông báo tình hình ở các địa điểm được đánh dấu là dorozoku dần cải thiện, họ sẽ xóa bỏ nó trên bản đồ.
“Những gì chúng tôi muốn đạt được chỉ là giải quyết vấn đề dorozoku,” quản trị viên trang web nói.