Tranh cãi chuyện nam giới nghỉ chăm vợ đẻ ở Hồng Công

Giới chủ Hồng Công (Trung Quốc) đang đấu tranh mạnh mẽ chống lại một dự thảo của chính quyền đặc khu hành chính này mà theo đó bắt buộc các doanh nghiệp cho nam giới nghỉ việc trong một thời gian nhất định sau khi vợ sinh con. Họ cho rằng nếu theo kế hoạch này, Hồng Công rồi cũng sẽ phá sản như các nước châu Âu hiện nay.

 

Ảnh minh họa

 

Phó chủ tịch Hội công nghiệp Hồng Công, ông Stanley Lau, cảnh báo rằng nếu các ông bố nghỉ làm theo chế độ sau khi có con sẽ làm tăng chi phí lao động và khiến chủ lao động tăng thêm gánh nặng không cần thiết.


Ông Lau hiện là một thành viên của ban cố vấn về chính sách gây tranh cãi nói trên. Ông ví von: “Các hoạt động tập thể dục như bơi lội hay đi bộ là điều tốt nhưng nếu chính quyền yêu cầu ai cũng phải tập thể dục thì tôi sẽ phản đối”.

 

Ông lý giải rằng các nước châu Âu có chính sách cho người cha nghỉ sau khi vợ sinh con đã gặp phải khó khăn về ngân sách và nợ nần chồng chất. Ông cho rằng chính sách đó là một nguyên nhân khiến một số quốc gia châu Âu vỡ nợ hoặc sắp vỡ nợ.

 

Theo chế độ nghỉ thai sản của Hồng Công, các bà mẹ được nghỉ đẻ 10 tuần trong khi các ông bố chỉ được nghỉ 5 ngày ít ỏi. Đề xuất mới của chính quyền sẽ buộc các chủ lao động phải để nhân viên nam nghỉ lâu hơn.

 

Ông Lee Cheuk-yan, Tổng thư ký Liên minh công đoàn, cho rằng các nhân vật vận động hành lang cho các doanh nghiệp lớn ở Hồng Công từ lâu đã luôn phản đối bất kỳ một cải cách nào trong lao động, điển hình là việc tăng lương tối thiểu hồi năm 2011. Ông chỉ trích: “Họ chỉ vì lợi ích kinh tế. Vấn đề của các chủ doanh nghiệp Hồng Công là họ luôn phản ứng tiêu cực đối với phúc lợi của người lao động”.

 

Theo ông Lee, khi người lao động sống hạnh phúc hơn thì lợi ích mà họ mang lại sẽ lớn hơn và khắc phục được mọi khó khăn liên quan như tăng chi phí lao động. Trong khi đó, chỉ có khoảng 2% lực lượng lao động là đối tượng của chính sách mới này.

 

Giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Hồng Công, ông Jamé Vere, cho rằng chế độ nghỉ dành cho các ông bố sẽ không có tác động lớn đối với kinh tế Hồng Công. Ông cũng khẳng định chế độ này không phải là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu.

 

Các nhà phân tích cho rằng Hồng Công thường lơ là vai trò người bố trong quá trình xây dựng một gia đình mới trong giai đoạn đứa trẻ mới chào đời. Ông Wai Yung Lee thuộc Viện gia đình của trường Đại học Hồng Công nhận xét: “Thông thường, chúng ta chỉ xem vấn đề này là chuyện giữa người mẹ và đứa trẻ. Trong khi đó, các ông bố cũng muốn có cơ hội gắn kết với đứa con mới chào đời nhiều như các bà mẹ”.

 

Hiện nay, do không có trợ cấp nghỉ chăm sóc gia đình sau khi vợ sinh con nên hầu hết các ông bố đang đi làm đều phải gom góp từng ngày nghỉ lễ, nghỉ ốm, nghỉ phép để có thời gian cho đứa con mới chào đời.

 

Một nam nhân viên làm việc trong một công ty truyền thông lớn ở Hồng Công mới lên chức bố cho biết, anh đã bị sếp mắng mỏ khi đề nghị được nghỉ phép chăm con. Trong khi đó, đối với anh, có thể ở cạnh vợ con trong giai đoạn này sẽ tạo ra khác biệt lớn cho gia đình của anh.

 

Anh nói: “Tôi đã dùng hết ngày nghỉ phép hàng năm nên tôi rất tức giận về điều này. Tôi cho rằng điều này không công bằng. Khi lao động nam giới được phép nghỉ sau khi vợ sinh con, các công ty lớn phải thực thi chính sách này”.

 

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN