Theo hãng thông tấn Kyodo, trên suốt đoạn đường dài 2 km đi trong 90 phút, hướng dẫn viên sẽ kể những câu chuyện bịa đặt vô hại, từ việc thêu dệt lên những thương hiệu không tồn tại cho đến lôi kéo những người bán hàng địa phương cùng hùa vào đưa ra những thông tin kỳ quặc, đem lại một trải nghiệm có một không hai cho du khách.
Dẫn một đoàn khách nhỏ đến vỉa hè bên ngoài một cửa hàng quần áo của thương hiệu Uniqlo trong một buổi chiều đông đúc ở Asakusa, nam hướng dẫn viên du lịch bắt đầu cất giọng thuyết trình. “Công ty Minato Shokuhin, nổi tiếng với nước sốt ponzu gừng Nhật Bản, từng đặt trụ sở ở đây. Chắc hẳn bạn đã từng nghe thấy âm thanh leng keng quen thuộc này”, nam hướng dẫn viên trẻ nói và bật nút chiếc máy ghi âm mang theo người, phát ra tiếng leng keng - âm thanh được cho là gắn liền với loại nước sốt đã ngừng sản xuất.
Sau khi âm thanh kết thúc, một du khách kể lại rằng, bà của mình đã từng ngâm nga giai điệu này. “Nó rất phổ biến với thế hệ của bà”, người hướng dẫn viên tỏ ý đồng tình và tiếp tục dẫn mọi người đi khám phá.
Tuy nhiên, tất cả những người đi cùng lúc đó, từ hướng dẫn viên đến du khách, đều biết rõ câu chuyện về loại nước sốt đã ngừng sản xuất trên thực tế là một lời nói dối. Công ty Minato Shokuhin chưa bao giờ tồn tại, thậm chí tiếng leng keng được cho là biểu tượng thương hiệu cũng chỉ là một loạt âm thanh ngẫu nhiên. Rõ ràng ký ức của du khách trẻ về giai điệu bà mình hay hát cũng không có thật.
Thực chất, nhóm 16 du khách này đang tham gia vào “Uso no Tsua”, trong tiếng Nhật có nghĩa là “chuyến tham quan nói dối”. Đây là một loại hình tham quan mới nhưng đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi ở một trong những khu phố tấp nập nhất Tokyo. Chuyến tham quan, bao gồm hướng dẫn viên, kèm theo hình ảnh và video do trí tuệ nhân tạo (AI) minh hoạ, làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy của thông tin được cung cấp. Tuy nhiên, những người tổ chức chuyến đi trấn an những người tham gia rằng họ có thể tiếp nhận những thông tin không chính xác này mà không cần phải xác thực.
Nhà sáng lập kiêm điều hành chuyến tham quan là anh Shigenobu Matsuzawa, một hướng dẫn viên chuyên nghiệp và từng phụ trách tổ chức các sự kiện kể chuyện hài. Matsuzawa cho biết anh “nói dối” gần như toàn bộ thời gian trong chuyến tham quan. Đã có lần anh đưa du khách tới một cái cây và nói rằng cái cây này là nguồn cảm hứng sáng tạo của biểu tượng cái cây trên hệ điều hành điện thoại di động Android.
Không chỉ một mình nói sai sự thật, Matsuzawa còn đưa chuyến tham quan phát triển hơn nữa khi tạo ra một thế giới “nói khoác” song song bằng cách lôi kéo các chủ cửa hàng địa phương đưa ra những tuyên bố hoặc sản phẩm kỳ quặc, ví dụ như những chiếc bánh quy bị dính lời nguyền, túi nilon được lấy từ một cửa hàng tiện lợi không có thật.
Để chuyến tham quan thêm phần hào hứng, du khách còn được khuyến khích bịa thêm những câu chuyện, thông tin có liên quan đến chủ đề mà hướng dẫn viên đang nói tới.
Chuyến tham quan “nói khoác” bắt đầu được thực hiện từ đầu tháng 3/2024 nhưng đã nhanh chóng gây chú ý trên mạng xã hội. Thậm chí lúc đầu có có người nghi ngờ, cho rằng ý tưởng này cũng chỉ là lời khoác lác. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của chuyến tham quan cũng khiến nhiều người tò mò và đẩy nhu cầu ngày một tăng. Trong đợt vận hành chuyến tham quan đầu tiên kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, mô hình tham quan mới đã thu hút khoảng 400 người tham gia trải nghiệm.
Soma Ito, một blogger du lịch 17 tuổi, đã chia sẻ những cảm xúc bất ngờ của mình sau một buổi trải nghiệm. “Bình thường khi đi du lịch, tôi chỉ nghĩ điểm đến đẹp đẽ hay tuyệt vời thế nào nhưng lần này thì khác. Nó khiến tôi phải nghiêm túc suy nghĩ và chọn lọc thông tin, xem điều nào là giả dối hay chân thật. Chuyến đi khiến tôi nghĩ rằng nói dối không hẳn là xấu và nó có thể giúp chúng ta cảm nhận được nhiều loại cảm xúc khác nhau”, Ito cho hay.
Matsuzawa nói rằng anh cực kỳ kinh ngạc trước mức độ quan tâm đến ý tưởng “xuất phát từ câu nói đùa” của mình. Người đàn ông 41 tuổi này đang phụ trách điều hành công ty Maniana Tours cùng với vợ và những người bạn khác.
Lý giải nguyên nhân khiến ý tưởng về chuyến tham quan nói dối trở nên thu hút du khách, Matsuzawa nói rằng không chỉ bản thân anh mà du khách có cái nhìn rộng hơn về những gì có thể được định nghĩa là “lời nói dối”.
“Nếu bạn nghĩ về điều đó, thì hầu hết phim ảnh và tiểu thuyết đều là hư cấu, vì vậy chúng cũng có thể được coi là lời nói dối. Điều này cũng có nghĩa là rất nhiều thứ mà mọi người yêu thích đều không phải là sự thật. Việc tổ chức các chuyến tham quan cũng nhắc nhở mọi người rằng ranh giới giữa sự thật và giả dối rất mơ hồ. Ví dụ như những câu chuyện truyền thuyết địa phương có thể là dối trá nhưng chúng ta vẫn chia sẻ”, Matsuzawa bày tỏ.
Không chỉ vậy, anh Matsuzawa nói thêm rằng việc tổ chức chuyến tham quan đã thay đổi quan điểm của anh về cách mọi người phản ứng trước những lời sai sự thật.
“Nói chuyện với nhiều du khách, họ có sở thích nói những điều không thật chủ yếu để mang đến vui vẻ cho bạn bè và gia đình. Tôi nhận ra nhiều người coi nói khoác là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo. Tất cả chúng tôi đều phải vận dụng khả năng sáng tạo để phản ứng trước những gì xảy ra trong chuyến đi”, nhà điều hành tour chia sẻ.