Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho biết năm 2005, nước này đã tìm thấy hóa thạch của một loài cá sấu chưa từng được ghi nhận trên thế giới trước đó tại một địa điểm ở huyện Non Sung, tỉnh Nakhon Ratchasima, cách Bangkok khoảng 300 km về phía Đông Bắc. Loài bò sát mới được gọi là Alligator Munensis hay “Cá sấu sông Mun”.
Mẫu hóa thạch có hình dáng tương đối giống loài cá sấu hiện nay nhưng có sự khác biệt về xương hàm. Theo đó, cá sấu sông Mun có xương hàm hình chữ U trong khi loài cá sấu hiện nay lại có xương hàm hình chữ V, miệng rộng hơn và ngắn hơn, hộp sọ cao hơn và số lượng ổ răng lớn hơn, nhưng lại ít răng hơn so với cá sấu hiện nay.
Hộp sọ, hàm và các bộ phận hóa thạch khác đã được nhóm nghiên cứu của Đại học Tübingen ở Đức, Bộ Tài nguyên khoáng sản và Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, loài này dài từ 1-2m, được tin là đã tồn tại không muộn hơn thời kỳ Trung Pleistocene, khoảng 230.000 năm trước.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận định nhiều đặc điểm hộp sọ của cá sấu sông Mun rất giống cá sấu Trung Quốc. Điều này cho thấy chúng có thể có cùng một tổ tiên nằm giữa lưu vực sông Dương Tử và sông Chaophraya. Tuy nhiên, những thay đổi địa chất ở cao nguyên Tây Tạng có thể đã dẫn đến việc chia loài tổ tiên này thành 2 quần thể, sau đó do biến đổi khí hậu khiến cá sấu sông Mun bị tuyệt chủng.