Senegal, “đen là đẹp!”

Phẫn nộ trước những quảng cáo kêu gọi phụ nữ tẩy trắng da, một phong trào xã hội ở Senegal đã phát động chiến dịch tuyên truyền với khẩu hiệu “đen mới là đẹp và khỏe”.


 

Poster tôn vinh vẻ đẹp của làn da đen Phi châu.

 

Chiến dịch này nhằm đáp trả chương trình quảng cáo rầm rộ của một thương hiệu mỹ phẩm có tên gọi “Khes Petch” (trắng toàn thân), đặt theo tiếng Wolof địa phương. Các poster của “Khes Petch” đều hứa hẹn “công dụng nhanh” và “kết quả trong 15 ngày”. Họ trưng ra những tấm hình trước và sau khi tẩy trắng của một cô gái trẻ, người này sau khi được khử sắc tố đã xuất hiện với làn da trắng mịn màng.


“Chúng tôi thực sự tức giận với những tấm poster nói rằng da đen là xấu và kêu gọi phụ nữ trẻ tẩy trắng da sau một đêm”, Aisha Deme, nhà quản trị của trang web văn hóa agendakar.com nói, và cho biết, để đối lại, họ đã phát động chiến dịch có tên “Nuul Kukk” ( “đen toàn thân”).


Các nhà tổ chức “Nuul Kukk” tích cực tận dụng các công cụ tuyên truyền rộng rãi như mạng xã hội Facebook, Twitter, hoặc nhờ sự hưởng ứng của các ngôi sao trong nước như ca sĩ nhạc rap Keyti, nhà thiết kế thời trang Dior Lo hay nhà hoạt động nữ quyền Kine Fatim Diop nhằm thay đổi quan niệm lệch lạc của đông đảo phụ nữ Senegal, đặc biệt là ở các thành phố lớn.


Bác sĩ chuyên khoa da liễu Fatimata Ly, người đã tham gia cuộc đấu tranh chống nạn “kheessal” (tẩy trắng da) suốt 10 năm nay cũng ủng hộ chiến dịch “Nuul Kukk”. Theo bà Ly, tẩy trắng da là một vấn đề đáng ngại với sức khỏe vì cứ 100 phụ nữ thì có tới 67 người từng sử dụng kem khử sắc tố da. Những sản phẩm này còn làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể và gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe như tiểu đường hay huyết áp cao.


“Phong trào” tẩy trắng da xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Phi vùng cận Sahara và trong cộng đồng người Do Thái da màu. Tại Xênêgan, “đây chủ yếu là thói quen của nữ giới, mặc dù nam giới trong một số nhóm đặc biệt cũng sử dụng”, bà Ly cho biết.


Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mong muốn làn da trắng xuất phát từ quan niệm sai lầm cho rằng, những phụ nữ có làn da sáng hơn mới là đẹp, thanh lịch và có địa vị quyền quý hơn. Quan niệm này chịu ảnh hưởng một phần lớn từ văn hóa phương Tây trong thời kỳ châu Phi bị thực dân Anh và Pháp đô hộ. Từ năm 1930, quảng cáo xà phòng Dirtoff của Pháp đã sử dụng hình ảnh một người đàn ông da đen châu Phi sau khi rửa tay, kinh ngạc thấy bàn tay mình biến thành màu trắng. Những quảng cáo tương tự như thế được phát khá phổ biến từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.


Các sản phẩm tẩy trắng thường chứa hóa chất công nghiệp hydroquinone, corticosteroids (có thể dẫn đến các biến chứng da và nội tiết), thủy ngân và các chất ăn da khác như hypocholoride sodium, salicylic acid và các chất tẩy. Do quá trình tái tạo sắc tố da, người dùng thường ngày càng lệ thuộc vào các loại kem tẩy để giữ cho da họ duy trì được sắc trắng. Chính vì vậy, các biến chứng với họ càng nặng nề và nguy hiểm hơn.


Bác sĩ Fatimata Ly nhấn mạnh, các loại kem, sữa và gel làm trắng da cần phải được sử dụng theo đơn của bác sĩ vì hầu hết chúng chứa những chất chỉ phục vụ mục đích điều trị. “Thật đáng tiếc, bạn có thể tìm thấy các loại kem như thế ở khắp các chợ của Senegal. Chỉ mất 1 - 1,5 euro, ai cũng có thể dễ dàng mua được”, bà Ly vừa nói vừa lật mở những tấm hình trên máy tính, ghi lại hàng loạt tác hại của tẩy trắng da, từ sưng tấy, thâm tím đến những vết thương lở loét do da bị bỏng.


Một nghiên cứu tiến hành tại Senegal cũng cho thấy, có tới 52% phụ nữ ở thủ đô Dacca từng sử dụng các sản phẩm tẩy trắng và 75% trong số họ đã gánh chịu những hậu quả tệ hại.



Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN