Cuối tháng 8 vừa qua, tôi có dịp đi cùng một đoàn phóng viên nước ngoài tại Đức tới thăm vùng Rheinhessen và Rheingau, vùng trồng nho và làm rượu vang nổi tiếng của Đức ở lưu vực sông Rhein và sông Main.
Các nhà báo tham quan hầm ủ rượu vang. |
Phong cảnh ở đây thật đẹp và thanh bình với những đồi nho nhấp nhô xa tít tới chân trời. Trên các cánh đồng nho, người ta không bắc giàn như thường thấy trong các hộ gia đình, mà trồng theo luống để có thể dễ dàng đi lại hai bên chăm sóc cây hoặc thu hoạch. Khi đó gần tới ngày thu hoạch nên các chùm nho lúc lỉu, căng tròn.
Đức là một trong những nước có truyền thống trồng nho và làm rượu vang từ lâu đời. Hiện nay, tại Đức còn 13 vùng trồng nho và làm rượu vang với sản lượng năm 2009 là 9,2 triệu hécto lít, đứng thứ 9 trên thế giới.
Đặc biệt, nước Đức có thể được coi là quê hương của vang - nho Riesling, vì ở Đức có tới 22.000 ha đất được dành để trồng giống nho Riesling, chiếm tới 60% sản lượng Riesling trên toàn thế giới. Rượu vang Riesling của Đức hiện nay được đánh giá cao trên thế giới, là một loại rượu vang có chất lượng bảo đảm, vì những giống nho Riesling tốt nhất có điều kiện phát triển thuận lợi do chất đất và khí hậu ở Đức. Rượu vang Riesling có nhiều loại với khẩu vị khác nhau, từ loại thông thường cho tới loại rượu vang băng đặc biệt.
Vang băng là một loại đặc sản mà việc chế biến khá cầu kỳ. Người ta để dành những thửa nho ngon, chín muộn, khi thời tiết rất lạnh xuống nhiều độ dưới không tới mức nước trong quả nho đóng băng, khi đó người ta mới thu hoạch và đưa vào chế biến, ủ lên men. Loại rượu vang băng này cho sản lượng rượu thấp nhưng chất lượng rất ngon và thơm.
Được mời xuống thăm các nhà hầm ủ rượu, chúng tôi thấy choáng ngợp trước những thùng làm bằng gỗ sồi rất lớn, có sức chứa từ 3.500 tới 4.000 lít. Khí hậu dưới nhà hầm mát lạnh, tạo điều kiện cho rượu nho có thể lên men dần dần cho tới khi ngấu, bộc lộ hết hương vị đặc trưng của từng giống nho.
Việc trồng nho và làm rượu vang ở Đức cho tới nay chủ yếu vẫn được duy trì trong các hộ gia đình với tổng cộng khoảng 48.000 doanh nghiệp (DN) gia đình. Một số DN mà chúng tôi được tới tham quan trong dịp này là những DN gia đình lớn với diện tích canh tác trên 30 ha/DN.
Một trong những DN đó là trang trại nho Hirschhof ở Westhofen, một trong những vùng trồng nho lâu đời nhất ở Đức. Trang trại này có lịch sử từ năm 1466. Tổ tiên của chủ trang trại này tên là Michel Zimmer, khi đó là một người làm thuê, đã có công cứu sống lãnh chúa vùng này trước sự tấn công của một con hươu hung hãn. Để trả ơn, ông được nhận đất đai để lập trang trại, một gia huy có hình con hươu và được đặt tên cho trang trại của mình là Hirschhof (Trang trại Hươu). Từ đó, trang trại này thuộc quyền sở hữu của gia đình Hirsch - Zimmer với một truyền thống trồng nho và làm rượu vang.
Ông Tobias Zimmer, chủ trang trại Hirschhof hiện nay cho biết, ông say mê với nghề trồng nho và làm rượu vang từ nhỏ, sau đó, ông đi sâu vào học nghề với mong muốn gắn những giá trị truyền thống trong nghề làm rượu vang như bảo đảm chất lượng cao, tinh khiết trong chủng loại với phong cách rượu vang mới, giá cả phải chăng và hòa đồng với thiên nhiên.
Vì vậy, trong trang trại của ông, mọi người tuân thủ những quy định của Hiệp hội trồng nho sinh thái. Nho của trang trại được trồng theo các phương pháp sinh thái, tức là chỉ bón bằng phân hữu cơ, dùng các biện pháp sinh học để diệt sâu bọ chứ không dùng phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu. Nhằm đạt được độ chín và chất lượng tối ưu, trang trại Hirschhof thực hiện việc cắt cành và giảm sản lượng ở đồi nho. Việc lên men chậm và ở nhiệt độ mát cũng như việc trồng theo phương pháp sinh thái đã tạo ra loại rượu vang thơm ngon, hương vị phong phú và giữ được bản sắc riêng.
Theo ông Ernst Buescher, việc trồng nho theo phương pháp sinh thái đang ngày càng trở nên được ưa chuộng ở Đức và đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua. Cho tới nay đã có khoảng 5.000 ha được trồng theo phương pháp sinh thái, chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng nho. Nhiều biện pháp sinh thái đã trở thành tiêu chuẩn trong việc trồng nho thông thường, ví dụ như sử dụng côn trùng có ích để chống lại côn trùng có hại. Một phương pháp nữa hay được sử dụng là làm giả mùi hương mà côn trùng tiết ra để dụ bạn tình và phun vào vườn nho, làm cho côn trùng bị nhiễu loạn, không thể thụ tinh để sinh sản.
Phương pháp sinh thái sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong sạch và cây nho sẽ được phát triển lâu dài, duy trì được những đặc tính ưu việt của mình.
Bài và ảnh: Văn Long (Phóng viên TTXVN tại Đức)