Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) cho biết kế hoạch an ninh lương thực mới này hướng đến đẩy mạnh sản xuất thông qua các nông trại do quân đội vận hành trên đất thuê từ nhà nước.
Những người ủng hộ cam kết kế hoạch này sẽ dẫn đến sản lượng thu hoạch tốt hơn và tiết kiệm nước tưới tiêu.
Quân đội Pakistan dự kiến được bàn giao 405.000 ha đất tại tỉnh Punjab để trồng trọt. Hầu hết diện tích này nằm trên sa mạc Cholistan - khu vực khô hạn khan hiếm nước. Hiện chưa rõ thời điểm các nông trại đi vào hoạt động hoàn toàn.
Quân đội Pakistan được thuê diện tích đất này trong 30 năm để trồng lúa mì, bông, mía cùng nhiều loại rau quả với 20% lợi nhuận thu được dành cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Phần còn lại được chia đều giữa quân đội và chính phủ.
Luật sư môi trường người Pakistan có tên Rafay Alam cho rằng có một biện pháp khác có thể giúp nâng cao an ninh lương thực tại Pakistan đó là đầu tư cho các nông dân nhỏ lẻ và hỗ trợ kỹ năng cần thiết để họ có thể tự sản xuất thực phẩm cho chính mình.
Vào tháng 9 này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tỷ lệ nghèo đói ở Pakistan đã tăng từ 34,2% lên 39,4% trong vòng 1 năm qua do có thêm 12,5 triệu người rơi xuống dưới mức nghèo khổ với thu nhập 3,65 USD/ngày. Như vậy, Paksitan hiện có khoảng 95 triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói.
Trước tình trạng này, WB đưa ra một số đề xuất giúp Pakistan ổn định tình hình kinh tế trong nước. Theo đó, WB kêu gọi Pakistan thực hiện các bước khẩn cấp để đánh thuế nông nghiệp và bất động sản, đồng thời cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí nhằm đạt được sự ổn định kinh tế thông qua điều chỉnh tài chính mạnh mẽ đối với hơn 7% nền kinh tế.