“Quả bom” hưu trí của châu Âu chuẩn bị phát nổ

Ngay từ trước cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), người ta đã quan ngại về quả bom hưu trí của châu Âu. Theo một nghiên cứu được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt hàng, số tiền lương hưu, được nhà nước tài trợ, phải thanh toán tại 19 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều gấp năm lần tổng lượng nợ của họ, khoảng 30.000 tỷ euro, với Đức là 7.600 tỷ euro và Pháp là 6.700 tỷ euro.

Châu Âu có số người ở độ tuổi trên 60 cao nhất thế giới. Ảnh: internet


Một cuộc suy thoái đang đe dọa khối kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với các nỗ lực nhằm giảm nợ khắp châu Âu đang thổi phồng những rủi ro tài chính. Tỷ lệ sinh ổn định hoặc giảm, cùng với tuổi thọ trung bình tăng lên đang gia tăng sức ép lên phần sản lượng kinh tế được dành để chi cho các khoản phúc lợi về hưu dự kiến tăng lên 14% vào năm 2060. Việc tăng tuổi về hưu và giảm bớt các khoản phúc lợi phải là một phần của bất kỳ giải pháp cả gói nào nhằm giữ cho Eurozone gồm 17 thành viên không tan vỡ. Châu Âu có số người ở độ tuổi trên 60 cao nhất thế giới và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 35% vào năm 2050, so với mức 22% của năm 2009, so với mức tương ứng toàn cầu là 22% và 11%. Đến năm 2050, số người trên 65 tuổi tại 34 nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tăng gấp 4 lên 350 triệu người, so với mức 85 triệu người hồi những năm 1970. Tuổi thọ trung bình tại các nước phát triển cũng sẽ tăng lên 83 vào năm 2050, so với 75 tuổi của năm 2009.

Các chính phủ và công ty đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cắt giảm chi phí tương lai, như tăng tuổi về hưu tại các quốc gia Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia và Anh. Đến năm 2060, mức lương hưu trung bình của người Pháp sẽ bằng 48% mức lương trung bình quốc gia, so với mức 63% hiện nay. Các nhà quản lý lương hưu và các chính phủ đang phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế để bảo đảm những hứa hẹn của họ. Nếu mức tăng trưởng tại Eurozone quá thấp, các kế hoạch lương hưu có thể không thực hiện nổi.

Số tiền mà các nước sẽ chi cho an sinh xã hội và chăm sóc lâu dài đang tăng lên. Các chính phủ có hệ thống an sinh xã hội hào phóng hơn sẽ khó có thể đáp ứng được, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng giảm đi vay của họ. Theo các số liệu mới nhất, số tiền cần để trả lương hưu tại Pháp và Đức đã gấp 3 quy mô nền kinh tế quốc dân. Năm ngoái tại Pháp, cứ 4,2 người trong độ tuổi làm việc thì có 1 người về hưu, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống 1,9 vào năm 2050. Các quỹ lương hưu tư nhân cũng đang phải chịu sức ép do lãi suất chuẩn tại Eurozone đang ở mức thấp nhất kể từ khi đồng euro ra đời 13 năm trước đây. Lãi suất thấp có nghĩa là các kế hoạch lương hưu cần có tài sản để hỗ trợ khả năng thanh toán về lâu dài.

Những nghi ngờ ngày càng tăng tại Eurozone là một trở ngại nữa khi các công ty xem xét lại các chiến lược đầu tư trong bối cảnh có những quan ngại rằng Hy Lạp có thể không trả được nợ và châm ngòi cho sự tan vỡ của cả khối. Các quỹ lương hưu tại các nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha có thể được lợi nếu rời khỏi Eurozone vì lãi suất cao hơn dường như sẽ cắt giảm chi phí vay nợ và tăng giá trị các tài sản đầu tư ở nước ngoài.

Tại Anh, nước vẫn từ chối gia nhập Eurozone, các quỹ lương hưu nghề nghiệp trong thập kỷ qua đã chuyển rủi ro trong đảm bảo thu nhập lương hưu từ chủ lao động sang người lao động để hạn chế những thâm hụt quỹ lương hưu. Royal Dutch Shell Plc, công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu, đã quyết định đóng cửa kế hoạch hưu trí cũ của họ đối với các nhân viên mới vào tháng trước. Họ định lập một quỹ cho các nhân viên mới, để khiến họ phải tự chịu trách nhiệm về việc đảm bảo họ có đủ tiền sống khi về già. Các chính phủ cũng có thể phải làm như vậy đối với các công chức, cũng như tăng độ tuổi về hưu của người lao động.

Thanh Hoa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN