Một hội phụ nữ tại Morocco đang triển khai chiến dịch đòi bãi biển riêng dành cho "chị em" ở thành phố Tangier để họ có thể trọn vẹn tắm biển mà không phải lo lắng về việc lộ cơ thể - hành động “xúc phạm đến Thánh Allah” và nguy cơ cao “bị quấy rối tình dục”.
Phụ nữ tại các quốc gia Hồi giáo đều phải mang mạng che mặt và áo trùm khi tắm biển. |
Hội phụ nữ dưới sự dẫn dắt của nhà hoạt động Noor Alhoda bày tỏ nguyện vọng họ vừa muốn đi đến bãi biển, vừa muốn tuân thủ luật Hồi giáo – cấm phụ nữ phô bày một số phần trên cơ thể tại các tụ điểm công cộng. Noor nói thêm cô không muốn làm trái ý Thánh Allah khi mặc đồ bơi trước mặt đàn ông. Sau tháng lễ Ramadan, mọi người đều mong muốn tận hưởng kỳ nghỉ của mình nhưng những người phụ nữ lại không được phép tham dự tiệc và đi tắm biển như những người khác. Cô gợi ý với bờ biển dài đến “hàng trăm kilomet”, rất dễ để có thể tạo khu vực biển riêng cho hai giới. Bên cạnh đó, việc tạo khu tắm riêng sẽ có thể hạn chế nguy cơ bị quấy rối tình dục, vốn dĩ là hiện trạng đáng báo động thậm chí ngay trên hè phố tại quốc gia này.
Tại Morocco, thái độ đối với cơ thể người phụ nữ có phần hơi bảo thủ. Vào tháng 7 vừa qua, hai cô gái trẻ đã phải đối mặt với mức án 2 năm tù giam sau khi bị kết tội ăn mặc “không phù hợp với khuôn phép” do mặc váy ngắn trong khu chợ ở Agadir. Hai cô gái đó đã bị một người đàn ông quấy nhiễu. Sau khi họ từ chối đưa số điện thoại, tên kia đã gọi một nhóm khác đến xô ngã hai cô gái, rồi rêu rao về bộ váy “bị coi là không đứng đắn”, xúc phạm hai cô trước toàn thể mọi người.
Burkini – một giải pháp cho phụ nữ đạo Hồi đi tắm biển Trong khi phần lớn phụ nữ theo đạo Hồi vẫn chọn cho mình con đường mặc tiếp “khăn mạng che mặt” khi tắm biển, một số phụ nữ đã sử dụng “burkini” – bộ quần áo bó chặt vào người, che kín từ cổ đến chân – để tránh việc cơ thể bị lộ trước nơi công cộng. Tuy nhiên, loại quần áo này cũng đã bị cấm tại một vài khách sạn lớn ở Morocco. |
Cô Noor cho biết thêm không chỉ việc quấy rối từ phía người lạ, mà chính “sự ghen tức trong gia đình” cũng là vấn đề nghiêm trọng cho phụ nữ ở đây. “Chồng, bạn trai, bố, anh trai, con cái đều cảm thấy ghen tức và bị xúc phạm nếu cơ thể người phụ nữ của họ bị những người đàn ông khác nhìn”.
Tuy nhiên, chiến dịch đòi bãi biển riêng này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng bãi biển dành riêng cho phụ nữ chỉ góp phần làm nạn phân biệt giới tính thêm nghiêm trọng. Cô Diana Nammi – giám đốc của Tổ chức Quyền Phụ nữ Kurd và Iran, cho biết “Liệu bãi biển riêng có đem lại sự an toàn thực sự cho những người phụ nữ đó. Câu trả lời là không. Cái chúng ta cần là xây dựng một xã hội bình đẳng, an toàn. Chính phủ phải đảm bảo an toàn cho phụ nữ, ở nơi công cộng lẫn khu vực riêng tư cá nhân. Họ phải trừng trị những thủ phạm quấy rối cũng như mọi loại hình bạo lực khác đối với phụ nữ. Cái chính là giáo dục, nâng cao nhận thức. Không thể lúc nào cũng trốn tránh hiện thực. Nữ giới cần phải mạnh mẽ, cải thiện hình ảnh, sự hiện diện của mình trong xã hội này”.