Ca từ ở dưới chân mộ Edith Piaf trong nghĩa trang Cha Lachaise: "Chúa tác hợp những người yêu nhau". |
Người phụ nữ có mái tóc xoăn và giọng hát rất đặc biệt và đầy rung động ấy nằm trong nấm mộ xây bằng đá rất giản dị ở cách nơi bà sinh ra đúng một cây số. Nghĩa trang Cha Lachaise một ngày tháng 7 lúc âm u, lúc nắng lên nhè nhẹ, nhưng lại hơi lành lạnh ấy là nơi bà và rất nhiều vĩ nhân đã gắn bó cả cuộc đời mình với nước Pháp đang yên nghỉ. Nó giống như một công viên trên thiên đường, mà gió lang thang như những nốt nhạc và lá cây xào xạc kể chuyện đời của những cái tên trên các bia mộ. Bà nằm đó, trong ngôi mộ chung của gia đình Gassion-Piaf, cùng với con gái, cha và người chồng thứ hai của mình.
Ca từ một bài hát bất hủ của bà được khắc dưới chân mộ: “Chúa tác hợp những người yêu nhau”. Rất nhiều hoa tươi được đặt ở đó, ngày nào cũng thế, trong biết bao nhiêu năm qua. Một tấm ảnh đen trắng của bà ai đó đã gắn lên mộ vẫn còn hơi ướt nước mưa. Nghe như trong nắng những giai điệu của bản “La vie en rose” (Cuộc sống màu hồng): “Khi anh ôm em trong tay/Anh nói với em thì thầm/Em thấy đời mình trong màu hồng”.
Bài hát ấy ra đời năm 1945 và năm sau đó, sau một cuộc trình diễn trước công chúng, đã trở nên nổi tiếng, nhanh chóng trở thành một biểu tượng lung linh của Paris và nước Pháp. Nước Pháp lãng mạn. Nước Pháp của tình yêu. Nước Pháp của những câu chuyện đã đi vào huyền thoại gắn liền với những tên tuổi như bà, Edith Piaf. Tôi nghe bà hát lần đầu rất nhiều năm sau đó, ở nhà một người quen, qua một đĩa than và rồi một lần nữa trên tivi, qua một bộ phim lãng mạn. Kiểu hát của ngày ấy có khả năng gây ra chú ý lạ thường, nhất là đối với những người có xu hướng hoặc hoài cổ, hoặc luôn hướng đến một điều gì đó đầy mơ mộng. Tiếng đĩa than lẹt xẹt, nhạc chạy, rồi một giọng phụ nữ rất cũ kĩ cất lên, với âm “r” nghe rất rõ trong cổ họng.
Bài hát nói về tâm trạng của một người phụ nữ đang yêu say đắm. Nàng được tỏ tình, được nói những điều hạnh phúc, được yêu thương và chăm sóc, và cảm thấy thế giới quanh mình thật đẹp, khi chỉ có tình yêu tồn tại. Đấy là cuộc sống màu hồng, cuộc sống của những người đang yêu và đang sống trong một thế giới dành riêng cho những trái tim, dù trên thực tế, người hát bản ballad bất hủ ấy cũng không có một cuộc sống màu hồng. Bà bị mẹ bỏ rơi, con gái bà chết khi mới 2 tuổi vì bệnh tật, những lời xì xầm rằng bà đã cộng tác với phát xít Đức chiếm đóng Paris từ 1940 đến 1944 để được yên thân, và rồi cái chết của chính bà, ở tuổi 47, không phải ở Paris, mà là Grasse, thủ đô của nước hoa Pháp.
Piaf đã viết “Cuộc sống màu hồng” và hát nó, và dù lời bài hát không nhắc đến Paris một chữ nào, thì cái nơi trang nhã và luôn gợi lên nhiều cảm xúc cho những ai đã hoặc sẽ đến với nó vẫn hiện lên rất rõ. Đơn giản, bởi đã luôn một mối liên hệ vĩnh cửu giữa Paris và Piaf, không chỉ với những bản ballad như “La vie en rose” mà còn biết bao bài hát khác, như “Non, je ne regrette rien” (Không, tôi không hối tiếc gì hết).
Người ta bảo rằng, bà được mẹ, một ca sĩ phòng trà 20 tuổi, đẻ rơi dưới một cột đèn ở số 72 phố Belleville, ngoại ô Paris. Trên cửa của số nhà ấy vẫn còn một tấm biển ghi tên ngày tháng ra đời của người ca sĩ huyền thoại. Trải dài 4 quận 19,20 cũng như 10, 11, đấy là một nơi mang nhiều dấu ấn của người nhập cư, một khu dân lao động từ thời Piaf và vẫn như thế cho đến bây giờ. Belleville, nếu tách chữ ra thì là “belle ville”, thành phố đẹp. Nơi này có lẽ không còn đẹp và lãng mạn như thời mà Piaf đã sinh ra và sống ở đây một phần đời mình trước kia nữa. Nó lộn xộn hơn, nhếch nhác hơn, nhiều vấn đề về an ninh hơn. Không mấy ai trong số những người thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba của những người nhập cư ở đây nói đến Piaf nữa. Họ không hề biết đến sự tồn tại của bà hay “Cuộc sống màu hồng”.
Tôi đã lang thang trong những khu phố nhiều màu da ở đó trước khi tìm đến nơi bà yên nghỉ ở nghĩa trang Cha Lachaise, đã tìm đến số nhà 72 ấy, đã đứng tần ngần một lúc trước bảo tàng Edith Piaf ở phố Crespin du Gast, cũng ở Belleville, và lần ra một danh sách những nơi ở Paris đã gắn liền với tên tuổi và giọng hát của bà trong nhiều thập kỉ, chỉ để hiểu rằng ở thành phố của tình yêu này, khi người ta đã có quá đủ tình yêu để không ngại dỡ bỏ hàng nghìn cái khóa trên một cây cầu mà các đôi trẻ đến Paris cũng thề nguyện yêu đương và khóa lên đó, đã gắn bó với quá nhiều với những giọng ca huyền thoại để tự hào đấy là một kinh đô của tình ca, thì Edith Piaf không đơn giản là một cái tên.
Bà còn hơn thế nữa, là một phần của Paris hoài cổ, là “tâm hồn của Paris” như Marlene Dietrich đã ca ngợi, là một hình ảnh của nước Pháp những năm mơ mộng sau Chiến tranh Thế giới II và chưa rơi vào trạng thái buồn phiền sau những cuộc chiến thất bại ở thuộc địa. Piaf đã khiến Paris của Eiffel và những khu phố gắn liền với biết bao câu chuyện và huyền thoại khác trở nên hoa lệ hơn bởi những bản tình ca và giọng ca của mình. Trước “Cuộc sống màu hồng” là “Je n’en connais pas la fin” (“Em không hề biết kết cục”), với điệp khúc: “Oh, mon amour/A toi toujours/Dans tes grands yeux/Rien que nous deux” (“Ôi, tình yêu của em/Em luôn là của anh/Trong mắt anh/Chỉ có hai ta").
...Một buổi chiều Paris, tôi ngồi cà phê trong một quán khá cổ ở Belleville. Quán ấy có tên “Bar de la place Edith Piaf”. Trên loa, bà đang hát “Hymne a l’amour” (Khúc tình ca), một bản ballad bất hủ khác. Rồi sau đó, là tiếng kèn của Louis Armstrong cho bản “Cuộc sống màu hồng”. Những bức tường của quán phủ đầy các tấm ảnh đen trắng của Piaf lúc bà đang trên đỉnh vinh quang và làm cho Paris trở thành một cái tên đồng nghĩa với những bàn tình ca.
Phía bên ngoài quán là một bức tượng bà đang đứng, cánh tay giơ lên đầy biểu cảm. Năm năm tháng tháng đã qua, bao nhiêu nước đã chảy qua chân cầu sông Seine kể từ ngày “Cuộc sống màu hồng” được hát. Nước Pháp cũng đã thay đổi rất nhiều trong ngần ấy năm. Tình yêu vẫn được ca ngợi và Paris vẫn tráng lệ, nhưng đã có quá nhiều biến cố sau đó. Những biến động chính trị và xã hội, những sự rạn nứt giữa các thế hệ và cộng đồng nhập cư, những cuộc khủng bố xảy ra vào năm 2015, năm kỉ niệm 100 năm ngày sinh của bà đã tạo ra những vết thương trong lòng Paris. Những vết thương không dễ lành, nhưng tình yêu lứa đôi, yêu Paris và yêu cuộc sống có thể nhanh chóng giúp họ gạt sang bên tất cả để sống, và yêu nữa.
Cuộc sống màu hồng bây giờ thực ra là gì? Nó có màu hồng như thế giới của những người đồng tính, nó có màu hồng khi ta nhìn qua một ly vang màu, nó màu hồng trong mắt những người đang yêu và không cần biết thế giới có còn quay nữa hay không hay cuộc sống sẽ hồng hơn với nước Pháp hiện tại nếu đội tuyển của họ đăng quang ở Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO)? 70 năm trước, khi hát bài ấy, Piaf có lẽ không nghĩ xa đến thế. Bà cứ ngợi ca tình yêu vì có lẽ tin rằng, tình yêu có thể cứu rỗi tất cả. Tôi cũng tin thế, như bà…