Nữ hộ lý cơ động ở Campuchia

Cô hộ lý Ly Siyan đang ngồi dưới một gốc cây to cùng một nhóm phụ nữ ở làng Chanloung, tỉnh Siem Reap (Campuchia). Cô cầm trên tay một tấm áp phích nhiều màu sắc minh họa một loạt biện pháp tránh thai.

Nữ hộ lý Ly Siyan trong một buổi trò chuyện về các biện pháp tránh thai với phụ nữ nông thôn. Ảnh: AFP-TTXVN


Những người phụ nữ Chanloung này hầu như chưa bao giờ trò chuyện cởi mở về vấn đề tình dục nên khi cô chỉ hình một chiếc bao cao su, họ ngượng ngùng và khúc khích cười. Cô kiên nhẫn chờ cho đám đông trật tự hẳn rồi mới nói tiếp về các biện pháp tránh thai và giải thích rõ các quan niệm sai lầm đã ăn sâu vào tâm trí của chị em phụ nữ.

Beun Chem, 27 tuổi và là mẹ của hai đứa con, muốn ngừng sinh con để tập trung vào quản lý cửa hàng nhỏ của mình. Sau khi nghe Ly Siyan giải thích, Beun Chem đã sẵn sàng cấy một thiết bị tránh thai đặc biệt dưới lớp da cánh tay. Thiết bị này có thể ngừa thai trong vòng 5 năm nhờ khả năng giải phóng hoócmôn vào máu. Trước đây, chị chỉ nghe về thiết bị này trên TV và vẫn ngần ngại, còn nay thì “tôi đã bớt lo lắng hẳn”.

Là nữ hộ lý cơ động đầu tiên và duy nhất ở Campuchia, Ly Siyan đã rong ruổi khắp tỉnh Siem Reap trên chiếc xe máy của mình để tổ chức các buổi nói chuyện về tình dục cho phụ nữ ở vùng sâu vùng xa. Những gì cô đang làm là một phần trong dự án mang tên “hộ lý trên xe máy” của tổ chức quốc tế phi lợi nhuận Marie Stopes được triển khai tại 5 tỉnh của Campuchia nhằm nâng cao hiệu quả công tác sức khỏe sinh sản.

Theo một khảo sát gần đây của chính phủ Campuchia, 1/4 phụ nữ đã kết hôn ở quốc gia này có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nhưng không được đáp ứng. Đối với nhiều người, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, phá thai còn dễ hơn là áp dụng biện pháp tránh thai. Do đó, tỷ lệ phá thai cao là điều không tránh khỏi, trong đó 56% phụ nữ Campuchia ở độ tuổi 15 - 49 đã phá thai ít nhất 1 lần.

Ông Nesim Tumkaya, một nhân viên thuộc Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ở Campuchia, lý giải nguyên nhân của tình trạng này là phụ nữ sống ở các vùng xa xôi, hẻo lánh hầu như không được tiếp cận các dịch vụ về sức khỏe sinh sản.

Tuy nhiên, nữ hộ lý Siyan cho rằng chỉ nâng cao cơ hội tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản là chưa đủ. Một thách thức quan trọng nữa là làm thế nào để những phụ nữ này cởi mở và tâm sự về những lo ngại liên quan đến vấn đề tế nhị này.

Ngay ở các thị trấn, thành phố, nơi dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, phụ nữ vẫn ngại ngùng khi muốn phá thai hay chữa trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bà mẹ thường ngại đề cập đến chủ đề này với con gái. Do đó, các em gái thiếu thông tin để bảo vệ bản thân và ngừa thai. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi mà ngày càng nhiều người trẻ có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Do đó, giáo dục giới tính nhiều hơn nữa là điều cấp bách.

Theo hãng tin AFP, hiện nay, giáo dục giới tính trong trường học ở Campuchia là điều không bắt buộc và giáo viên thường chỉ dạy học sinh những thông tin cơ bản nhất. Trong bối cảnh đó, các tổ chức như Marie Stopes đã hỗ trợ phụ nữ thuộc mọi đối tượng, từ những cô gái hành nghề mại dâm cho đến các nhân viên văn phòng. Nhân viên của Marie Stopes thường là những người giáo dục đồng đẳng, đưa ra lời khuyên cho bạn bè hoặc đồng nghiệp về tình dục an toàn và các cách chữa bệnh. UNFPA cho rằng, cách tiếp cận này “đặc biệt hiệu quả” do họ có thể trao đổi thông tin theo kiểu bạn bè thân mật.

Thùy Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN