Là một nhà thiết kế poster phim kỳ cựu, họa sĩ Daniel Anum Jasper đang gấp rút thực hiện cho xong một trong những tấm poster của bộ phim kinh điển "Butch Cassidy and the Sundance Kid" (phát hành năm 1969) theo đơn đặt hàng của một nhà sưu tập nước ngoài, người đã liên hệ với ông thông qua mạng xã hội Instagram.
Từ cuối thập niên 70 đến 90 của thế kỷ trước, Ghana đã phát triển một truyền thống quảng bá phim với những tấm poster được vẽ bằng tay. Các rạp chiếu phim địa phương phát triển khá mạnh ở quốc gia Tây Phi này và các họa sĩ cạnh tranh nhau, để xem ai có thể lôi kéo khán giả tới với màn ảnh rộng thông qua những tác phẩm quảng cáo của mình.
Ông Daniel Anum Jasper là người đi tiên phong trong truyền thống này. Trong suốt 30 năm qua, ông đã vẽ poster phim trên bao tải bột mì tái sử dụng. Nhưng thị trường cho các tác phẩm của ông nay đã thay đổi. Ông Jasper cho biết: "Mọi người không còn hứng thú với việc ra ngoài xem phim khi họ có thể làm điều ấy thoải mái trên điện thoại của mình. Nhưng ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc sở hữu các tấm poster phim quốc tế được vẽ tay. Giờ đây, mọi người chuộng treo chúng trong phòng riêng hoặc trưng bày tại các cuộc triển lãm".
Với sự phát triển của Internet, các rạp chiếu phim độc lập của Ghana giờ đã không còn hút khách. Nhưng công việc của ông Jasper vẫn thu hút được sự chú ý ở nước ngoài, trong đó có cả Mỹ - nơi các tấm poster này được xem là đại diện độc đáo của một thời kỳ cụ thể trong nghệ thuật châu Phi. Các tác phẩm của ông Jasper không chỉ họa các bộ phim hành động phương Tây mà còn giới thiệu điện ảnh Bollywood (Ấn Độ) và Trung Quốc.
Ông Joseph Oduro-Frimpong - một giáo sư về văn hóa đại chúng nhân chủng học tại Đại học Ashesi của Ghana - là khách hàng quen thuộc mua tranh của Jasper. Ông đã thu thập poster phim vẽ tay trong nhiều năm và sẽ trưng bày chúng tại Trung tâm văn hóa đại chúng châu Phi, dự kiến khai trương trong khuôn viên Đại học Ashesi vào cuối năm nay.
Bày tỏ kỳ vọng người xem sẽ hiểu và đánh giá cao ý nghĩa của những tấm poster này, ông Joseph Oduro-Frimpong cho biết: "Mỗi tấm poster đều có giá trị thẩm mỹ đặc sắc. Chúng là những biểu tượng của lịch sử, với những câu chuyện của riêng mình”.