Những cộng sự biết bay giúp cảnh sát Ấn Độ bảo vệ người dân

Kể từ năm 1946, bất chấp bão lụt và địa thế xa xôi, những chú chim bồ câu đã vận chuyển thông tin quan trọng khắp bang Odisha (Ấn Độ).

Chú thích ảnh
Một cảnh sát thả các con chim bồ câu tại Cuttack, bang Odisha. Ảnh: Reuters

Khi sự xuất hiện của điện thoại thông minh và mạng xã hội đem đến liên lạc trong tức khắc thì bưu thiếp và điện tín gần như đã lỗi thời. Nhưng ở bang miền Tây Odisha tại Ấn Độ, cảnh sát vẫn nỗ lực duy trì một tập quán còn lâu đời hơn, đó là bồ câu vận chuyển thư tín.

Tờ Guardian (Anh) cho biết bồ câu thường mang thư tín giữa các đồn ở khu vực xa xôi và duy trì liên lạc giữa các đơn vị cảnh sát đang di chuyển. Bồ câu của cảnh sát tại Odisha còn được coi là phương thức liên lạc đáng tin cậy trong trận lũ lụt nghiêm trọng năm 1982 và siêu bão năm 1999 gây thiệt hại diện rộng.

Ông Anil Dhir tại Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và nghệ thuật Ấn Độ (Intach) đang phối hợp với cảnh sát Odisha để duy trì hoạt động của dịch vụ vận chuyển bằng bồ câu vốn hình thành từ năm 1946.

Ông Dhir khẳng định rằng Odisha sở hữu “dịch vụ vận chuyển bằng bồ câu duy nhất trên thế giới và là ví dụ đặc biệt về một truyền thống cổ xưa vẫn được lưu giữ trong thời kỳ hiện đại”. Ông bổ sung: “Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru vào ngày 13/4/1948 từ Sambalpur (phía Nam Odisha) đã sử dụng bồ câu gửi thông báo đến các quan chức tại Cuttack”.

Chú thích ảnh
Những con bồ câu của cảnh sát tại Cuttack. Ảnh: Reuters

Ông Dhir cũng cho biết giống bồ câu Bỉ được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ chủ yếu vì khả năng bay trong quãng đường dài, lên tới 24 km, trong 15-25 phút và tuổi thọ cao lên đến 20 năm. Theo ông Dhir, hiện nay có khoảng 155 con bồ câu như vậy đang được cảnh sát chăm sóc.

Những con bồ câu được huấn luyện thực hiện 3 loại nhiệm vụ vận chuyển là một chiều, hai chiều và di động (các đơn vị cảnh sát sử dụng trong quá trình di chuyển để liên lạc với trụ sở). Các nội dung được viết trên giấy, cất vào trong hộp rỗng bằng nhựa buộc vào chân bồ câu.

Chính quyền bang Odisha chi trên 6.000 USD mỗi năm để nuôi dưỡng những con bồ câu và trả lương nhân viên. Một trong những cảnh sát nhận nhiệm vụ trông coi những con bồ câu chia sẻ: “Việc huấn luyện bồ câu bắt đầu khi chúng 5-6 tuần tuổi”. Theo sĩ quan cảnh sát này, những con bồ câu sau khi được huấn luyện sẽ đảm bảo thực hiện chính xác bản đồ các tuyến đường trong nhiều thập niên. Anh cũng tiết lộ những con bồ câu rất thông minh và nhận ra giọng nói của người trông nom.

Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển bằng bồ câu này đang được coi là tốn kém và lỗi thời. Những con bồ câu ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho mục đích nghi lễ, ví dụ như diễu hành ngày Độc lập.

Việc sử dụng bồ câu đưa thư được ghi nhận lần đầu tại Ai Cập trong khoảng thời gian 3.000 năm trước công nguyên và được cho lần đầu hoạt động tại Ấn Độ vào thế kỷ 16. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai, bồ câu thường mang theo điện tín mật và vận chuyển khắp nơi ở châu Âu, Ấn Độ.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Chim bồ câu đắt nhất thế giới có vệ sĩ riêng
Chim bồ câu đắt nhất thế giới có vệ sĩ riêng

New Kim, một con chim bồ câu đua 2 tuổi tại Bỉ, gần đây đã được trao danh hiệu chim bồ câu đắt nhất thế giới khi được một nhà sưu tầm ở Nam Phi trả giá 1,5 triệu USD. Do quá đắt nên nó đã có vệ sĩ riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN