Ngày 16/1, Cục Khí tượng Australia cho biết 4 ngày vừa qua nằm trong 10 ngày có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử Australia, với mức nhiệt có nơi đo được lên tới gần 50 độ C.
Theo chuyên gia khí tượng Philip Perkins, nhiệt độ tại bang Nam Australia trong ngày 15/1 đã phá vỡ mức nhiệt kỷ lục từ trước đến nay, khiến khu vực này trở thành một trong những nơi nóng nhất trên thế giới.
Trong số các thành phố ở bang Nam Australia, thành phố Tarcoola là nơi có nhiệt độ cao nhất, lên tới 49 độ C. Tiếp đến là thành phố cảng Augusta với nhiệt độ lên tới 48,9 độ C, cao hơn gần 1 độ C so với kỷ lục được xác nhận vào ngày 7/2/2009 - ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng được biết đến với tên gọi "ngày thứ Bảy đen tối" tại bang Victoria, khiến 173 người thiệt mạng và trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại Australia. Thành phố sa mạc Coober Pedy, nơi nhiều người dân phải sống dưới lòng đất để tránh cái nóng khắc nghiệt, cũng hứng chịu mức nhiệt kỷ lục 47,4 độ C.
Trong khi đó, ở bang Adelaide, nơi đang diễn ra giải đua xe đạp Tour Down Under và trận thi đấu khúc côn cầu trong khuôn khổ giải One Day International giữa đội chủ nhà Australia và Ấn Độ, các vận động viên sẽ phải thi đấu dưới cái nóng 41,9 độ C.
Các sinh vật tại Australia cũng đang phải chống chọi với tình trạng khô hạn kéo dài trên một khu vực rộng lớn ở phía Đông nước này. Giới chức bang New South Wales đã phải lắp đặt máy bơm khí oxy trên một vài đoạn sông để hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt, sau khi khoảng 1 triệu con cá chết do thời tiết nắng nóng và thiếu oxy.
Nền nhiệt cao không phải là điều hiếm gặp tại quốc gia nằm ở Nam bán cầu này khi bước vào mùa Hè, với nhiều vụ cháy rừng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu còn làm tăng nhiệt độ trên mặt đất lẫn dưới biển, từ đó dẫn đến nhiều ngày nắng nóng khắc nghiệt và những vụ cháy rừng nghiêm trọng hơn.