Cách đây tròn 2 năm, ngày 11/3/2011, khu vực đông bắc Nhật Bản bị rung chuyển bởi trận động đất cường độ 9 độ Ríchte kéo theo trận sóng thần lớn chưa từng có nhấn chìm nhiều làng mạc ven biển, cuốn phăng tàu bè, nhà cửa và cả sinh mạng của hàng vạn con người. Sóng thần cao hơn 10 m tấn công Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm hoạ Chernobyl ở Ucraina năm 1986.
Khó khăn vẫn chồng chất
Theo thống kê mới nhất của Cơ quan cảnh sát quốc gia (NPA) Nhật Bản, tính đến ngày 8/3/2013, động đất và sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.881 người, khiến 2.668 người mất tích và khoảng 310.000 người vẫn phải sống tha hương suốt 2 năm qua. Công tác tìm kiếm và nhận dạng thi thể nạn nhân vẫn đang được tiến hành và sẽ còn kéo dài.
Hình ảnh cây tùng bất diệt trước khi được cắt ra từng khúc đem đi bảo tồn tháng 9/2012 và sau khi được ghép nối trở lại vào ngày 6/3/2013. Ảnh: Internet |
Trong khi đó, 54.000 người dân Fukushima phải rời bỏ nhà cửa nhiều khả năng sẽ không thể trở về nhà ít nhất trong vòng 4 năm tới do môi trường những khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố phóng xạ vẫn chưa đảm bảo an toàn. Lo ngại vẫn còn đó khi giới chức y tế phát hiện các ca ung thư tuyến giáp đầu tiên ở trẻ em tỉnh Fukushima trong các cuộc kiểm tra gần đây.
Ngoài ra, sự cố hạt nhân còn gây ra những khó khăn cho kinh tế Nhật Bản khi chỉ có 2 lò phản ứng điện hạt nhân còn hoạt động do sức ép dư luận buộc chính phủ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi cho vận hành trở lại. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng.
Trong khi đó, công tác tái thiết sau thảm họa kép vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. 22 trong số 42 lãnh đạo các thành phố, thị trấn, làng mạc quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và những khu vực bị sóng thần tàn phá ở 3 tỉnh Fukushima, Miyagi, Iwate cho rằng quá trình khôi phục từ thảm họa vẫn “chậm hơn so với dự định” hoặc “hoàn toàn không tiến triển”.
Niềm tin vượt qua gian khó
Sau thảm họa kép khoảng một tháng, ngày 26/4/2011, một nhóm cố vấn cho chính phủ cho biết công cuộc tái thiết các thành phố và thị trấn sau thảm họa kép có thể phải mất một thập kỷ. Như vậy, sau 2 năm, công cuộc tái thiết mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Một góc ven biển của thành phố Natori, tỉnh Miyagi, thời điểm sóng thần tấn công ngày 11/3/2011 (ảnh trên) và thời điểm ngày 6/3/2013, nơi một con đê chắn sóng đang được dựng lên (ảnh dưới). |
Dẫu vậy, hơn 70% lãnh đạo các địa phương ở đông bắc Nhật Bản cho rằng đối sách khắc phục thảm họa thiên tai mà Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đề ra hiệu quả hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Trong bản dự thảo ngân sách tài khóa 2013 được thông qua đầu năm, Tôkyô dành 6.000 tỷ yên bổ sung cho công cuộc tái thiết khu vực đông bắc, nâng tổng số ngân sách dành cho tái thiết lên 25.000 tỷ yên. Một số tiền khổng lồ để tiếp sức cho một nỗ lực khổng lồ: Đó là mang lại sức sống mới cho cả một vùng duyên hải rộng lớn của các tỉnh bị sóng thần quét qua mà nhiều nơi giờ đây chỉ còn lại phế tích.
Ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate, câu chuyện về “cây tùng kỳ tích” không chỉ khiến người dân nước Nhật mà cả thế giới ngưỡng mộ về sức sống thần kỳ của nó. Đây là cây tùng duy nhất còn sót lại của một rừng tùng bạt ngàn với 70.000 cây nhưng bị trận sóng thần khủng khiếp ngày 11/3/2011 nhổ sạch chỉ trong vài phút. Với hàng nghìn người dân mất nhà cửa ở Rikuzentakata, sự sống sót của cây tùng 173 năm tuổi này chẳng khác nào một “phép màu”. Nhựa tùng ứa ra từ vết thương trên thân trong khi những nhánh cây bên dưới bị sóng biển tước sạch. Thế nhưng phần ngọn của cây cao 10 m này vẫn rậm lá, chứng tỏ sức sống của nó vô cùng mãnh liệt.
“Cây tùng kỳ tích” được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và ý chí không quỵ ngã của những người dân thành phố Rikuzentakata. Chính quyền địa phương đã quyết tâm bảo tồn cây tùng này như giữ gìn một biểu tượng của tinh thần quật cường.
Sau 2 năm, tuy vẫn còn muôn vàn những khó khăn nhưng những gì mà cả nước Nhật và người dân khu vực đông bắc đang làm đã cho thấy một ý chí và nỗ lực tuyệt vời. Đất nước và con người Nhật Bản vẫn luôn đứng vững và kiên cường vươn lên từ trong thảm họa.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)