Châu Á - khu vực dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu - đang quá phụ thuộc vào phong cách lãnh đạo phương Tây. Đó là lý do nữ doanh nhân người Nhật Bản Lin Kobayashi đưa ra kế hoạch xây dựng một ngôi trường đào tạo các nhà lãnh đạo mang phong cách châu Á.
Học sinh trường ISAK tham gia một bài học về sự hợp tác. Ảnh: AFP-TTXVN |
Bà Lin Kobayashi, 38 tuổi, hy vọng rằng ngôi trường mà bà đầu tư xây dựng ở ngoại ô thủ đô Tôkyô sẽ giúp thay đổi phong cách lãnh đạo trong khu vực với việc đào tạo các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có tư duy châu Á hơn.
Trường quốc tế châu Á Karuzawa (ISAK) được bắt đầu xây dựng từ tháng 9/2012 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2014. Với việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, đây sẽ là trường nội trú cấp quốc tế đầu tiên ở Nhật Bản.
Kobayashi, từng là nhà phân tích đầu tư tại công ty tài chính hàng đầu thế giới Morley Stanley, cho biết ngôi trường sẽ là nơi tập hợp sinh viên thuộc các nền văn hóa, kinh tế và xã hội khác nhau, trong đó các học sinh nghèo sẽ được nhận học bổng từ các nguồn quyên góp.
ISAK ra đời không phải là để cạnh tranh với Harrow hay Dulwich, những ngôi trường mang phong cách phương Tây nổi tiếng của Anh đã thành lập các cơ sở tại Trung Quốc và Thái Lan. Mục tiêu của bà Kobayashi là làm thay đổi cách nhìn của người châu Á hiện quá coi trọng hệ thống giáo dục đào tạo các nhà lãnh đạo mang phong cách châu Âu.
Bà Kobayashi, từng làm việc cho Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Manila (Philíppin), chia sẻ: “Châu Á đang là trung tâm của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào phong cách lãnh đạo phương Tây. Tôi nghĩ chúng ta cần những lãnh đạo được định hướng châu Á, những người coi trọng sự đồng thuận, hài hòa và có thể kết hợp với một nền tảng nhận thức sâu rộng về lịch sử phức tạp và văn hóa đa dạng của châu Á".
Yoshiaki Nomura, một chuyên gia đào tạo lãnh đạo tại Đại học Osaka, cho rằng ý tưởng về một ngôi trường châu Á mới là rất hợp thời. Ông nói: "Tôi nghĩ chương trình giảng dạy nhằm tạo ra những nhà lãnh đạo ưu tú mới là rất cần thiết. Chúng ta đã học rất nhiều về những lý thuyết lãnh đạo phương Tây, song tôi nghĩ cái mà chúng ta cần ở châu Á phải khác".
Đồng quan điểm, Jun Nakahara, một chuyên gia giáo dục cao cấp ở Đại học Tôkyô, cho rằng lãnh đạo không chỉ là năng lực bẩm sinh mà còn là "thứ bạn cần phải học". Tuy nhiên, ông cho rằng, trải nghiệm thực tế có ích hơn những bài giảng trên lớp; do đó, các trường cần tạo cho học sinh cơ hội trải nghiệm thực tiễn để rèn giũa khả năng lãnh đạo.
Bà Kobayashi cho biết, trường sẽ đặc biệt chú trọng về lịch sử khu vực, trong đó sinh viên sẽ được đi thực tế ở nhiều nước khác nhau. "Chúng tôi không dạy lịch sử từ một phía. Quan trọng là tìm hiểu về sự đa dạng của những quan điểm lịch sử và cấu trúc đa dân tộc của khu vực", Kobayashi nói thêm rằng bà muốn thu nhận những giáo viên đến từ nhiều nơi khác nhau.
ISAK đến nay đã nhận được 1,5 tỷ yên (khoảng 399 tỉ VND) từ các khoản quyên tặng và các quỹ tư nhân để trang trải những chi phí ban đầu. Hồi tháng 7/2012, ISAK đã mở khóa học mùa hè thường niên lần thứ ba kéo dài 10 ngày, với 53 học sinh từ 14 nước tham gia. Học phí là 300.000 yên.
Kobayashi hy vọng các lãnh đạo tương lai của Nhật Bản, vốn bị chỉ trích là thiếu các nhà chính trị tài năng, cũng sẽ được hưởng lợi từ phương pháp giáo dục này. "Giáo dục Nhật Bản không đủ khả năng để đào tạo những người dẫn dắt", bà Kobayashi cho biết, đồng thời chỉ ra rằng đây chính là nhu cầu cấp thiết trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.
Lê Hải (theo AFP)