Người nghèo Ấn Độ lo dịch vụ đẻ thuê bị cấm

Đối với nhiều người nghèo Ấn Độ, đẻ thuê là cách duy nhất họ có được một khoản tiền lớn, thay đổi tương lai của gia đình. Tuy nhiên, họ đang nơm nớp lo sợ vì chính phủ nước này đang rục rịch cấm dịch vụ đẻ thuê trị giá nhiều triệu USD ở Ấn Độ.

Trong một nhà nghỉ có hàng chục phụ nữ mang thai, Sharmila Mackwan, một phụ nữ góa chồng nghèo khó, đang mang thai đôi cho một cặp vợ chồng để được trả 6.000 USD. Cô đã phải bỏ con ở trại trẻ mồ côi trong suốt 9 tháng mang thai hộ theo điều kiện của hợp đồng để ở tại một ngôi nhà gần với bệnh viện ở bang Gujarat. Người phụ nữ 31 tuổi cho biết cô khá sợ vì lần đầu mang thai đôi nhưng cho biết không còn lựa chọn nào để thoát nghèo. Cô tâm sự: “Cần phải duy trì dịch vụ đẻ thuê nếu không tôi sẽ không bao giờ có thể tiết kiệm được nhiều tiền như vậy cho dù có làm việc vất vả cả đời”.

Phụ nữ mang bầu xếp hàng chờ khám tại một cơ sở y tế ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Mackwan là một trong số 2.000 phụ nữ nghèo Ấn Độ hàng năm kiếm được một khoản tiền kha khá nhờ việc mang thai hộ. Sau khi mở cửa cho dịch vụ này từ năm 2002, Ấn Độ đã trở thành nước đi đầu trong ngành đẻ thuê khi thu hút hàng trăm cặp vợ chồng nước ngoài tới đây nhờ giá rẻ mà lại an toàn. Chi phí cho một ca mang thai hộ ở Ấn Độ chỉ khoảng 20.000 đến 30.000 USD, bằng một phần nhỏ so với chi phí ở Mỹ và các nước phương Tây mà công nghệ lại hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm và nhiều người sẵn sàng đẻ thuê.

Các nghiên cứu cho thấy người đẻ thuê phần lớn là phụ nữ nghèo được người giàu thuê mang thai hộ. Các bệnh viện tư nhân và cơ sở y tế không phép làm trung gian giữa người đẻ thuê và người có nhu cầu có con bằng dịch vụ này. Bản thân người đẻ thuê được trả một số tiền ít ỏi so với tổng chi phí nhưng đối với nhiều người nghèo Ấn Độ, số tiền này có thể đổi đời cho họ. Một bà mẹ đẻ thuê cho một cặp vợ chồng Ấn Độ được trả từ 1.500 đến 4.500 USD. Vì số tiền này mà nhiều phụ nữ nghèo thường đẻ thuê nhiều lần.

Tuy nhiên, từ năm 2012, Ấn Độ đã thắt chặt quy định về ngành đẻ thuê khi cấm các cặp đôi đồng tính và người độc thân sử dụng dịch vụ. Tháng 11/2015, giới chức Ấn Độ chỉ thị cho các bệnh viện có dịch vụ đẻ thuê không nhận khách hàng người nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, dịch vụ đẻ thuê đang bị lạm dụng và có khả năng đứa trẻ sinh ra sẽ bị bỏ rơi nếu là con gái hoặc bị dị tật. Do đó, Ấn Độ đã đề xuất luật để bảo vệ phụ nữ mang thai hộ và dự luật đang chờ quốc hội thông qua.

Dự luật đã khiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh phản đối và gây ra làn sóng tranh cãi nóng bỏng ở Ấn Độ về vấn đề đạo đức. Theo dự luật, chỉ các cặp vợ chồng Ấn Độ đã kết hôn mới được sử dụng dịch vụ đẻ thuê và người mang thai hộ phải là người họ hàng gần gũi và không nhận tiền công.

Theo chuyên gia sinh sản Nayana Patel ở một bệnh viện tư thuộc bang Gujarat, nếu bị cấm, dịch vụ đẻ thuê sẽ hoạt động ngầm và sẽ còn tồi tệ hơn, đồng thời đẩy nhiều phụ nữ nghèo khó vào con đường khốn cùng vì mất cơ hội đổi đời.

Dù vậy, các chuyên gia y tế cho biết nhiều người đẻ thuê thiếu điều kiện bảo vệ cơ bản như bảo hiểm y tế. Họ nhiều khi buộc phải ký hợp đồng mà họ không hiểu. Trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng chịu nhiều nguy cơ về sức khỏe và tâm lý. Ông Sutapa B. Neogi, giáo sư Viện Y tế Công cộng Ấn Độ ở Delhi, cho biết phụ nữ đẻ thuê thường được thụ tinh nhiều trứng để tăng cơ hội mang thai. Các bác sĩ sẽ phá thai nếu hơn một thai nhi hình thành. Do đó, những lần phá thai đặt ra mối nguy hại về sức khỏe cho bà mẹ, chưa kể đến ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý.
Thùy Dương (theo AFP)
Tranh cãi quanh chuyện đẻ thuê ở Australia
Tranh cãi quanh chuyện đẻ thuê ở Australia

Giới chức Australia đang xem xét lại các thỏa thuận về việc mang thai hộ quốc tế sau vụ việc một cặp vợ chồng người Australia bị cáo buộc bỏ lại một đứa con ruột bệnh tật cho người mang thai hộ ở Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN