“Công nghiệp” đẻ thuê ở Ấn Độ

Khi gia đình cô bé Lili, người Ôxtrâylia, làm lễ thôi nôi cho con gái, thì ở mãi xa Ấn Độ, người mẹ đẻ thuê Seita Thapa cũng nhớ lại ngày hạ sinh ra “đứa con” mà chị thậm chí còn không dám nhìn mặt.


 

Các bà mẹ đẻ thuê đang nghe bác sĩ tâm lý tư vấn tại Bệnh viện Akshanka, bang Gujarat. Ảnh: Internet

“Tôi tránh đưa ánh mắt về phía con bé, vì tôi cũng có các con đẻ của mình”, chị Thapa, 31 tuổi, nhớ lại thời điểm sinh Lili tại Trung tâm Đẻ thuê Ấn Độ, một bệnh viện tư ở thủ đô Niu Đêli, vào cuối tháng 2 năm ngoái. Đứa bé chị mang trong bụng thực ra là con của một cặp vợ chồng đồng tính nam, sử dụng trứng hiến từ một phụ nữ khác. Người mẹ của hai đứa con cũng cho biết, bệnh viện đã tổ chức những lớp học để chuẩn bị tâm lý cho các bà mẹ đẻ thuê rằng những em bé mà họ hạ sinh không phải là con họ và không thuộc về họ.


Dịch vụ đẻ thuê là một ngành “công nghiệp” đang bùng nổ mạnh mẽ ở Ấn Độ. Rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài không con đã đổ tới đây với mong ước được làm cha mẹ thông qua một dịch vụ hợp pháp với chi phí phải chăng. Theo ước tính của Liên minh Công nghiệp Ấn Độ, ngành công nghiệp đẻ thuê hiện có doanh thu tới trên 2 tỉ USD mỗi năm.


Trong một nỗ lực làm im những lời chỉ trích xung quanh vấn đề “nhà máy sản xuất trẻ con”, chính phủ Ấn Độ mới đây đã ban hành quy định cấm các cặp vợ chồng và cá nhân đồng tính nam được thuê đẻ tại nước này. Tuy vậy, phần lớn ngành công nghiệp đẻ thuê vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.


Seita Thapa cho biết, chị tin tưởng rằng mình đã làm đúng khi cho cặp vợ chồng người Ôxtrâylia “thuê tử cung” để thực hiện mơ ước làm cha mẹ. “Tôi đẻ thuê để dành dụm tiền lo cho các con. Tôi cũng muốn giúp những người không thể có con và tự hào đã mang đến cho họ một đứa trẻ dễ thương”, người phụ nữ có mái tóc đen nhánh và đôi mắt màu hạnh đào nói.


Thapa từ chối tiết lộ chị được trả bao nhiêu tiền cho một lần đẻ thuê như vậy, nhưng cho biết, chị sẽ thực hiện hợp đồng thứ hai vào tháng 4 tới. Trong khi đó, bệnh viện cho biết, mỗi bà mẹ đẻ thuê nhận khoảng 6.000 USD trong tổng số 28.000 USD chi phí mà người thuê phải chịu. Dù vậy, con số đó cũng đã tương đương với thu nhập trong cả chục năm trời của một người làm nông nghiệp ở Ấn Độ. Chi phí đẻ thuê tại quốc gia Nam Á này cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ, nơi mỗi ca đẻ thuê tốn kém khoảng 160.000 USD.


Trong quá trình mang thai, Thapa sống cùng với chồng trong một khu căn hộ ở Niu Đêli được trung tâm thuê, cùng với trên 100 bà mẹ khác, và các con đẻ của Thapa sống ở quê nhà Darjeeling không bao giờ biết mẹ của chúng có bầu.


Năm 2012, 291 đứa trẻ đã ra đời tại trung tâm đẻ thuê nói trên. Những đứa trẻ này hiện đang sống ở 15 quốc gia khác nhau, trong đó có Canađa, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Na Uy và Braxin. Giám đốc trung tâm, bác sĩ Shivani Sachdev Gour, cho biết, trong khi xã hội vẫn còn đánh giá độc ác với những người không có con, như “cây độc không trái, gái độc không con”, thì bà quan niệm việc mình đang làm là đem lại niềm vui và thỏa mãn ước mơ được làm cha làm mẹ của những cặp vợ chồng vô sinh. “Những người phản đối đẻ thuê nên tới đây gặp gỡ những cặp vợ chồng mong muốn có con mà không được. Làm sao có thể từ chối nguyện vọng chính đáng đó của họ?”, bà Gour nói. Marcia, 40 tuổi, người Braxin, đang sống ở Lúcxămbua, là một trong những trường hợp như vậy. Sau 3 năm gắng có con mà không được, Marcia đã cùng chồng tới Niu Đêli ký một hợp đồng đẻ thuê với bệnh viện. “Ban đầu, thật khó để quen với việc một người phụ nữ khác mang thai con của mình, nhưng đây là giải pháp duy nhất, và rồi chúng tôi đã có con theo cách này. Thật là kỳ diệu!”, Marcia nói.


Thu Hằng


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN