Kể từ khi người hàng xóm rời đi 10 năm trước đây, Yoriko Haneda đã làm những gì bà có thể để giữ cho căn nhà trống không đỡ chướng mắt. Bà thường xuyên cắt tỉa bụi cây, xén cỏ thừa, duy trì vẻ hoàn hảo của ngôi nhà nhìn ra biển. Tuy nhiên, bà lão 77 tuổi không thể để mắt tới tất cả những ngôi nhà cũng bỏ hoang gần đó. Thực tế, hàng chục ngôi nhà ở khu vực sườn đồi cách thủ đô Tokyo 1 giờ lái xe này đều đã bị bỏ hoang.
Một ngôi nhà bỏ trống bị sập được phủ bạt xanh ở Yokosuka. |
Bà Haneda trần tình: “Nhà trống ở khắp mọi nơi, không có ai sống 20 năm nay, và ngày càng nhiều ngôi nhà trống khác xuất hiện”. Bà còn phàn nàn rằng những tên trộm đã đột nhập vào nhà hàng xóm của bà hai lần và một trận bão đã phá hủy một mái nhà cạnh đó.
Khủng hoảng "nhà ma"Bất chấp truyền thống tiết kiệm ở Nhật, số lượng các ngôi nhà bỏ trống đang gia tăng. Tỷ lệ bỏ trống nhà ở dài hạn đã tăng chóng mặt, cao hơn ở Mỹ và châu Âu, và theo số liệu của chính phủ, khoảng 8 triệu căn nhà hiện trong tình trạng vô chủ. Gần 50% trong số đó đã hoàn toàn bị bỏ trống – không bán và cũng không cho thuê – chúng chỉ đơn giản nằm ở đó, và hư hỏng theo thời gian.
Những ngôi nhà “ma” này là dấu hiệu rõ nhất của một đất nước có dân số già. Cấu trúc nhân khẩu học đang đè gánh nặng lên kinh tế Nhật Bản, khi lực lượng lao động trẻ ít ỏi đấu tranh đáp ứng nhu cầu nhân lực. Trong khi đó, tình trạng này cũng gây ra tranh cãi căng thẳng xung quanh việc nới lỏng chính sách nhập cư, hay khuyến khích các gia đình sinh thêm con.
Sau nhiều thập kỷ đấu tranh với dân số già, Nhật Bản đang đối mặt với một vấn đề khó khăn: Phải làm gì với những ngôi nhà trống khi dân số ngày càng giảm?
Nhiều người thừa hưởng những ngôi nhà trống ở Nhật nhưng không sử dụng chúng và cũng không thể bán, vì không ai có nhu cầu. Việc phá hủy những ngôi nhà này cũng không đơn giản khi chúng liên quan tới quyền sở hữu, và xác định ai là người trả phí phá dỡ. Vừa qua, Chính phủ Nhật đã thông qua luật thúc đẩy phá hủy những ngôi nhà hư hỏng nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng làn sóng bỏ trống nhà sẽ rất khó dừng lại.
Từng giới hạn ở các cộng đồng nông thôn, nay làn sóng nhà hoang đang lan rộng ra các thành phố và ngoại ô các khu trung tâm lớn. Kể cả ở thủ đô nhộn nhịp, tỷ lệ nhà vô chủ cũng đang gia tăng.
Một căn "nhà ma" ở Yokosuka. |
Thành phố Yokosuka không nằm ngoài xu hướng ấy. Với vị trí gần thủ đô Tokyo và các căn cứ hải quân, các nhà máy ô tô, nơi đây thu hút hàng nghìn thanh niên tìm việc trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng sau Thế chiến II. Đất đai hiếm và đắt, vì vậy những người mới đến xây dựng những ngôi nhà nhỏ và đơn giản ở bất cứ đâu có thể. Cho đến nay, tình hình đã đổi khác hoàn toàn. Những công nhân trẻ thời hậu chiến giờ đã về hưu, còn rất ít người muốn nhận những ngôi nhà này. “Con cái họ hiện sống ở những nơi hiện đại ở trung tâm Tokyo. Đối với họ, nhà của gia đình là một gánh nặng, chứ không phải là tài sản”, ông Makino nói.
Chưa có giải pháp hiệu quả
Yokosuka đang cố gắng để thay đổi điều ấy, bằng cách khuyến khích chủ những ngôi nhà bỏ hoang tu sửa, dọn dẹp và bán chúng qua trang web “ngân hàng nhà trống” mà thành phố lập. Giá đất ở Yokosuku đã giảm 70% từ khi đạt đỉnh hồi cuối những năm 1980. Tuy nhiên, mới chỉ có một căn nhà gỗ có sân vườn được bán với giá 660.000 yên (5.400 USD) qua ngân hàng trực tuyến trên.
Những thành phố khác cũng đang cố gắng với những giải pháp riêng, thậm chí là trả tiền mặt cho những người dọn đến hoặc mua nhà trống. Một số giải pháp đã thành công trong việc thu hút những nghệ sĩ và lao động tự do. Công ty Echigo-Tsumari Art Field còn thực hiện một dự án nghệ thuật khi biến các tòa nhà bỏ trống trong một cụm đô thị ở phía tây bắc Tokyo thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Người tham quan có thể nghỉ một đêm tại “Ngôi nhà mơ ước” được nghệ sĩ nội thất Marina Abramovic thiết kế, với những chiếc giường và đèn được thiết kế gợi ra những giấc mơ, hay tham quan các tòa nhà khác được sơn màu, chạm khắc tỉ mỉ.
Giải pháp mạnh tay nhất đối với những ngôi nhà bỏ trống là phá hủy trước khi chúng trở thành mối nguy hiểm với người dân. Tuy nhiên, rất khó để xác định chủ sở hữu các ngôi nhà, và họ thường không sẵn lòng trả phí phá dỡ nhà.
Các ngôi nhà ở Nhật Bản được xây dựng để sử dụng trong khoảng 30 năm, sau đó sẽ được dỡ bỏ và xây dựng lại. Tuy chất lượng xây dựng được cải thiện, nhưng thị trường mua bán nhà cũ vẫn rất nhỏ hẹp. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang xây dựng hơn 800.000 chung cư cao tầng và nhà mới hàng năm, bất chấp "nhà ma” còn đang dư thừa.
Vấn đề nhà bỏ trống ở Nhật sẽ trở nên rất khó giải quyết, đặc biệt khi dân số Nhật ước tính sẽ giảm 1 triệu người/năm trong những thập kỷ tới. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống dưới mức đủ để duy trì dân số từ những năm 1970, khi giới trẻ trì hoãn hôn nhân và nhiều phụ nữ trì hoãn sinh con khi tham gia vào lực lượng lao động.
Ông Takashi Onishi, Giáo sư kiến trúc đô thị, Chủ tịch Hội đồng khoa học Nhật Bản, cho rằng không bao lâu nữa, Chính phủ Nhật sẽ phải ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, hạ tầng ở những vùng ít người ở. “Chúng ta không thể duy trì tất cả. Chúng ta phải đưa ra quyết định khó khăn đó”, ông Onishi nhấn mạnh.