Hộp trẻ em xuất hiện lần đầu tiên tại châu Âu từ năm 1999, lấy cảm hứng từ những chiếc thùng đặt bên cửa sổ các nhà thờ lớn thời Trung cổ. Xuất hiện ở Nga từ 2011, cho đến nay đã có khoảng 20 hộp trẻ em trên khắp nước Nga và đã có 50 trẻ sơ sinh được bỏ vào chiếc hộp này.
Việc đặt những đứa trẻ vào hộp sẽ giúp các bà mẹ không bị truy tố, vì tại quốc gia này, hành động vứt bỏ con bị coi là bất hợp pháp. Phần lớn những đứa trẻ bị bỏ rơi đến từ những gia đình nghèo khó, hoặc là bị khuyết tật bẩm sinh như điếc, mù, bại não và hội chứng down. Hộp trẻ em có sẵn chăn quấn để giữ ấm cho trẻ. Khi một đứa bé được đặt vào trong hộp, chuông báo động sẽ kêu lên để nhân viên của cơ sở chăm nuôi hay trại trẻ mồ côi sẽ ra mang đứa trẻ vào trong.
Một chiếc hộp trẻ em ở Sochi, Nga. |
Theo dự luật của Nga nhằm xóa bỏ hoàn toàn các hộp trẻ em, những cơ sở nào cố tình lắp đặt hộp sẽ bị phạt mức tiền lên tới 79.000 USD, thậm chí còn có thể tạm thời bị buộc ngừng hoạt động trong vòng 3 tháng.
Dự luật trên là ý tưởng của nghị sĩ Elena Mizulina và được chính phủ Nga ủng hộ. Nghị sĩ Mizulina khẳng định chính những chiếc hộp như thế này khuyến khích những bà mẹ khó khăn bỏ rơi con. Có ý kiến cho rằng không chỉ vì hoàn cảnh túng quẫn, mà nhiều gia đình hay đối tượng xấu sẽ lợi dụng lòng tốt từ các cơ sở nuôi dưỡng này để bỏ rơi những đứa trẻ sinh ra ngoài mong muốn. Đó là các trường hợp những ông bố vô lương tâm không muốn giữ lại máu mủ của mình hay “má mì” mại dâm muốn vứt bỏ con của gái mại dâm.
Theo bác sĩ tâm lí học Kevin Browne thuộc trường Đại học Nottingham (Anh), kết quả của loạt nghiên cứu khoa học ở Hungary cho thấy ngoài người mẹ, thì họ hàng, cha dượng và chủ chứa là những đối tượng có thể lén lút đem trẻ bỏ vào hộp.
Trong một báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em ở Nga công bố năm 2014, tổ chức đã thúc giục quốc gia này phải nhanh chóng “triển khai các biện pháp cần thiết để cấm các hộp trẻ em và tích cực dùng các phương pháp thay thế khác”. Cụ thể là phải giải quyết căn nguyên gốc rễ dẫn đến quyết định bỏ rơi đứa trẻ, trong đó bao gồm việc tư vấn kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, cung cấp hỗ trợ xã hội cho những trường hợp mang thai ngoài ý muốn.
Tuy vậy, dự luật trên cũng vấp phải không ít các ý kiến phản đối khi họ cho rằng thông qua luật cấm đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đứa trẻ mới sinh bị bỏ rơi sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí mất mạng nếu như chỉ được đặt trơ trọi trong rừng hay bãi rác. Bên cạnh đó, dự luật mới này được đề xuất trùng với thời điểm bùng nổ chiến dịch kiểm soát tình trạng nạo phá thai tại Nga sau khi Thượng phụ Moskva - lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Nga ông Patriarch Kirill đưa ra kiến nghị cần phải loại bỏ ngay việc nạo phá thai ra khỏi hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia.
Trả lời phỏng vấn BBC, bác sĩ phụ khoa hàng đầu Lyubov Yerofeeva cho biết: “Động thái này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của các thai phụ. Gần 90% các ca nạo phá thai tại Nga được tiến hành tại cơ sở y tế nhà nước, điều này có nghĩa là thai phụ không đủ chi phí để đến các phòng khám tư. Luật cấm sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Sau khi cấm nạo phá thai trong hệ thống bảo hiểm y tế và hộp sơ sinh, tỷ lệ các ca nạo phá chui sẽ tăng cao, cũng như số lượng những đứa trẻ mới sinh bị vứt bỏ ở các bãi rác sẽ ngày một nhiều thêm”.