Nam Phi: Chính quyền mua "chất thải" của dân

Sáng kiến của chính quyền thành phố Durban ở Nam Phi nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường và tận dụng nguồn chất thải: Cung cấp nhà vệ sinh cho các hộ gia đình và trả tiền cho những hộ nào sử dụng các toalét này.

Chính quyền thành phố Durban đã cho lắp đặt tới 90.000 nhà vệ sinh trong vườn của các hộ gia đình để thu gom nước tiểu và phân mà người dân thải ra. Do loại nhà vệ sinh này không sử dụng một giọt nước nào nên thường được gọi là nhà vệ sinh "khô". Hàng tuần, chính phủ cử người tới các gia đình để thu chất thải đã được gom vào các ngăn chứa và trả cho mỗi hộ 30 rand (tương đương 4 USD) - khoản thu nhập không hề nhỏ đối với người dân của thành phố có tới 43% dân số có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Một nhà vệ sinh "khô" ở Durban. Ảnh: Internet


Chương trình nhà vệ sinh "khô" được chính quyền thành phố Durban bắt đầu áp dụng từ năm 2002 khi xảy ra dịch tả trong bối cảnh hơn ¼ trong tổng số 4 triệu dân của thành phố sống trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Đây cũng là giải pháp cho việc thành phố không đủ khả năng xây dựng một hệ thống vệ sinh thỏa đáng.

Chính quyền Durban tin rằng, nhà vệ sinh "khô" là một lựa chọn đúng đắn, cùng lúc giải quyết được nhiều tồn tại: giảm dần thói quen xả trực tiếp "chất thải" ra môi trường của người dân, tận dụng nguồn chất thải giàu nitrate, phosphorus và potassium để làm phân bón và đặc biệt là tiết kiệm nước - thứ mà đất nước Nam Phi luôn luôn thiếu.

Nhà chức trách cũng hy vọng, việc trả tiền cho các hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh "khô" sẽ khuyến khích được người dân tích cực hưởng ứng sáng kiến của chính quyền.

 Nhưng thực tế lại không như vậy.

Hầu hết các nhà vệ sinh "khô" đều trống không, còn "chất thải" thì vẫn được người dân vô tư xả thẳng ra môi trường. Lý do thì có nhiều. Trước hết là thói quen cố hữu của người dân mỗi khi "giải tỏa những nỗi buồn". Thêm nữa là quan niệm: chạm vào chất thải sẽ mang lại những xui xẻo, trong khi nhà vệ sinh "khô" yêu cầu sau mỗi lần sử dụng lại phải rải một lớp cát lên phía trên ngăn chứa và thỉnh thoảng lại phải hút chất thải trong các ngăn chứa này. Người dân cho rằng, sử dụng nhà vệ sinh "khô" là hạ thấp giá trị của họ. Những gia đình nào không còn hứng thú với việc xả thẳng ra môi trường và tương đối dư dả thì họ sẽ đầu tư cho nhà vệ sinh tự hoại; nghĩa là nhà vệ sinh "khô vẫn bị ế".

Tại thị trấn nhỏ Inanda, không ít người dân còn dỡ cửa và mái của nhà vệ sinh "khô" và ghép phần còn lại vào căn nhà mà họ đang ở cho thêm phần rộng rãi; có người thì dỡ luôn cả nhà vệ sinh "khô" vất đi. Một đại diện của người dân địa phương biện minh rằng gia đình chị đã buộc phải dùng nhà vệ sinh "khô" làm gara vì kẻ trộm đã đánh cắp cửa và bệ xí trong đó.

Thực tế, mô hình nhà vệ sinh "khô" đã xuất hiện ở Yêmen từ vài thế kỷ trước. Ông Pierre-Yves Oger, chuyên gia cố vấn về vệ sinh và nước ở Nam Phi, cho biết khi đưa vào áp dụng ở các vùng nông thôn, nhà vệ sinh "khô" nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người dân bởi họ vừa là nguồn cung chất thải vừa là người sử dụng phân bón được tạo ra từ nguồn chất thải đó. Còn ở các vùng đô thị, hiệu quả của mô hình này thấp hơn rất nhiều là bởi, người cung cấp chất thải và người được hưởng lợi từ nguồn chất thải đó không phải là một và người dân không vượt qua được những rào cản tâm lý - định kiến về "chất thải". 

Minh Hà (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN