Mực nước sông, hồ ở Séc thấp kỷ lục

"Nắng tháng tám rám trái bưởi". Câu tục ngữ này giờ đúng với cả thời tiết ở CH Séc. Trong tháng 7 và gần 2 tuần đầu tháng 8 năm nay trời liên tục nắng gay gắt. Nhiệt độ 37, 38, thậm chí 39 và 40oC không phải là chuyện lạ và hiếm tại nhiều tỉnh của đất nước Trung Âu vốn có thời tiết ôn hòa - mùa đông không quá lạnh và mùa hè không quá nóng.

Consông mẹ Vltava đoạn chảy qua trung tâm Praha có mực nước rất thấp.


Nóng như ở... châu Phi


Nhiệt độ được coi là kỷ lục ở CH Séc vào ngày 7 và 8/8 với nhiệt độ trung bình là 39,8oC và cao nhất là 40,4oC. Như vậy, kỷ lục nhiệt độ cao nhất ở Tiệp Khắc vào 27 /7/1983 (40,2 oC) đã bị phá vỡ. Nắng gay gắt đến mức buổi trưa ít người muốn ra đường. Con đường đi dạo dọc bờ sông Vltava ở trung tâm thủ đô Praha trở nên vắng vẻ.

Quán bia tươi mát lạnh, rất hợp với thời tiết nắng nóng nhưng lại ế ẩm, hầu như không có khách vào buổi trưa. Cách một quãng lại có một vòi nước được dựng lên để khách bộ hành rửa mặt giải nhiệt. Đàn thiên nga trắng cũng tụ vào ven bờ để tránh nắng học cách thích nghi với sự biến đổi khí hậu.

Nhưng cuối buổi chiều, khi nắng dịu đi thì người dân Praha và du khách lại ùn ùn kéo ra bờ sông để hóng gió và giải trí, thay cho việc đi dạo quanh các quảng trường cổ kính hay mua sắm. Đông nhất là thanh niên, là các cặp yêu nhau. Bờ phải con sông Vltava trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Sự sôi động này kéo dài cho đến đêm khuya. Còn những người Việt kinh doanh hàng vải và hàng thực phẩm than thở, người Séc đi tránh nắng hết nên buôn bán ế ẩm.

Nhưng nắng nóng chỉ là một chuyện. Các chuyên gia ở Séc đang lo lắng về vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Nắng nóng kéo dài, hầu như không có mưa trong suốt mấy tháng qua dẫn đến tình trạng khô hạn trên toàn CH Séc. Lượng mưa từ đầu năm đến nay đều thấp hơn lượng mưa trung bình cùng thời điểm của các năm. Mức độ hạn hán của năm nay còn nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2003, năm vốn được coi là "cực kỳ khô hạn".

Lượng nước bổ sung không có hoặc có nhưng không đáng kể làm giảm lượng nước trong các sông, hồ ở CH Séc. Mực nước sông trên toàn quốc đã hạ xuống mức thấp kỷ lục - còn 50% mức bình thường và trong một số trường hợp, mực nước đã giảm mạnh xuống chỉ còn 10% mức bình thường. Tình hình tồi tệ hơn cả là trên sông Lužnice  ở Nam Bohemia với mực nước đã được ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm.

Sông mẹ Vltava    

Vltava là con sông dài nhất của Cộng hòa Séc với chiều dài 430km và diện tích lưu vực là 28.090km². Đoạn Vltava chảy qua thủ đô Praha dài 31km rất êm đềm. Con sông lững lờ uốn lượn, chia đôi thành phố. Praha đẹp và nổi tiếng thơ mộng phần lớn là nhờ con sông Vltava và 18 cây cầu bắc qua cũng như nhờ những con tàu trắng thanh lịch chở du khách chạy dọc sông ngắm cảnh...

Nhưng mùa hè năm nay sự hấp dẫn của Vltava đã giảm sút. Nước sông không còn dồi dào như mọi năm. Mực nước cách khá xa so với mặt con đường đá dành cho người đi dạo bên bờ. Còn từ con đường đá đến mặt đường phố là khoảng cách hàng chục mét.

Các con đập khiến cho nước sông ở phía trên dềnh lênh, nước chảy mạnh ở đoạn có đập nhưng mực nước lại rất thấp ở phía sau con đập. Có cảm giác con sông ngừng chảy, mặt nước tĩnh lặng như trên mặt hồ khi trời lặng gió.

Sông con Otava

Sông Vltava giảm mực nước là bởi các con sông nhỏ đổ nước vào Vltava cũng không có nhiều nước. Như sông Otava là một thí dụ. Con sông đẹp, nên thơ có đoạn chảy qua khu trung tâm thành phố Strakonice với nhiều danh thắng. Pháo đài cổ soi bóng xuống nước. Cây cầu treo bắc qua sông càng làm tăng thêm vẻ đẹp.

Mực nước ở sông Otava, đoạn dưới đập, thấp hơn mức trung bình nhiều năm.


Nhưng khi nhìn kỹ, mặt nước gần như lặng im, không chuyển động. Nước chỉ tung bọt trắng xóa ở vị trí có con đập chắn ngang. Con đập khiến cho việc lưu thông đường thủy trên Otava bị ngăn trở. Những người yêu môn thể thao chèo thuyền đã phải dừng lại ở phía bên kia đập, kéo thuyền lên bờ và khiêng qua đập để tiếp tục cuộc hành trình.

Mực nước ở mức trung bình phía trên con đập. Nhưng ở phía dưới đập mực nước rất thấp. Ở đoạn gần bờ có thể nhìn thấy sỏi đá ở đáy sông lộ ra. Căn cứ vào khoảng cách giữa các bậc thang, bờ và mực nước hiện tại, có thể thấy mực nước hiện tại chênh rất xa so với mực nước lúc "cao trào".

Hồ Matylda   

Matylda ở ngoại ô thành phố Most là hồ chứa nước nhân tạo. Đây vốn là khu mỏ bị bỏ hoang sau khi khai thác quặng. Một con đập bắt đầu được xây dựng năm 1986 để ngăn nước thành hồ. Hồ rộng 38,7ha, dài 1,9km và rộng 0,3km, chiều sâu tối đa 4m. Đây được coi là hồ nhân tạo thuộc loại lớn ở CH Séc.

Hồ Matylda không còn mênh mông như lúc nước đầy.


Do mặt nước khá lớn và cảnh quan xung quanh đẹp, nhiều cây cối nên hồ Matylda là nơi nghỉ ngơi lý tưởng vào mùa hè. Mọi người đến đây để tắm, trượt patanh, chạy bộ, phơi nắng. Các môn thẻ thao dưới nước như bơi thuyền, lướt sóng, tàu lượn... trên mặt hồ Matylda cũng phát triển mạnh.

Gió thổi mạnh khiến mặt hồ dậy sóng hôm phóng viên TTXVN có mặt tại Matylda, mang lại cảm giác đang đứng bên bờ biển hoặc chí ít là trước một con sông lớn.

Vào thời điểm hiện tại diện tích của hồ Matylda thu hẹp rất nhiều so với con số 38,7ha do mực nước hạ xuống thấp. Lượng người đến nghỉ ngơi, trượt patanh hoặc tắm nắng vẫn đông. Tuy nhiên, các môn thể thao dưới nước bị hạn chế do độ sâu của hồ bị giảm. Những nơi bình thường nước phủ kín giờ mọc đầy cây lau hoa nở vàng. Mực nước cách khá xa so với bờ hồ.

Suối ở Karlovy Vary

Thành phố Karlovy Vary là "kinh đô điện ảnh" của CH Séc và là thành phố nghỉ dưỡng rất nổi tiếng với con suối nước nóng chảy qua khu trung tâm. Thành phố rất đẹp nằm trên sườn núi với các dãy nhà cổ có kiến trúc và màu sắc cuốn hút du khách này được mọi người ví von chưa đến Karlovy Vary thì coi như chưa đến CH Séc. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến với Karlovy Vary quanh năm, nhưng đông nhất vào mùa hè. Cũng chính vào mùa hè thì vẻ đẹp của thành phố này mới bộc lộ hết.

Tạo ra sự hấp dẫn lớn nhất đối với du khách chính là con suối nhỏ được kè đá hai bên bờ, chảy xuyên suốt chiều dài của Karlovy Vary. Hàng chục cây cầu nhỏ bắc qua suối với dòng nước róc rách bên dưới và những vòi phun nước là điểm nhấn của thành phố. Các công trình kiến trúc chính của Karlovy Vary đều nằm dọc hai bên bờ suối.

Nhưng mùa hè năm nay nước không còn chảy róc rách. Nhiều đoạn suối trơ đáy sỏi đá, suối chỉ còn là một con lạch rất nhỏ. Nhiều đoạn nước gần như không chảy. Nước chảy ở những đoạn có các con lươn nhỏ ngăn ngang dòng suối.  Sự nên thơ của Karlovy Vary vì thế phai giảm đi khá nhiều.  

Hồ "song sinh" ở Dobris

Thị trấn Dobris nằm cách Praha khoảng 40km. Thị trấn này có vẻ đẹp bình yên với nhiều cây xanh, những ngôi nhà cổ và đặc biệt là hai hồ lớn nằm cạnh nhau như hai chị em sinh đôi. Những ngôi nhà mái đỏ và cây cổ thụ cạnh hồ soi bóng xuống mặt nước lung linh.

Cỏ mọc lút đầu người ở lòng hồ Dobris.


"Hồ nước chị", gắn với điểm du lịch là lâu đài Dobris, vẫn còn khá nhiều nước dù mực nước xuống thấp hơn bình thường. Những chỗ vào mùa hè các năm chìm dưới nước thì nay trơ sỏi đá hoặc cỏ cây đã mọc lên.

Trong khi đó, "hồ nước em" cách chỉ một con đường nhỏ, từ lâu đã cạn trơ đáy. Cây cỏ dại mọc um tùm dưới đáy hồ, nở hoa vàng, hoa trắng, hoa đỏ, tạo ra vẻ đẹp khác lạ. Màu xanh của cỏ cây là màu chủ đạo dưới lòng hồ. Những vết nứt chằng chịt khá sâu cạnh gốc các cây cỏ dại. Dấu tích của hồ nước là con lạch nhỏ cạn nước, còn trơ bùn, dẫn từ giữa lòng hồ đến miệng cống thoát nước.

Chúng tôi gặp một gia đình Việt - Séc đang dạo chơi ở ngay lòng hồ. Người vợ tên là Vera, còn người chồng là Đinh Văn Hóa, quê gốc ở Nghệ An. Cháu bé Tina 5 tuổi hào hứng đạp xe ở nơi trước kia chìm dưới dòng nước xanh ngắt. 
     
Chị Vera Đinh tâm sự: "Năm nay ở CH Séc khô hạn, thiếu nước vì ít mưa, mùa đông thì không có tuyết. Tôi sợ là năm nay sẽ mất mùa, giá nông sản đắt đỏ. Bình thường mùa hè chúng tôi vẫn tắm ở hồ này nhưng năm nay khô cạn, con gái tôi có thể đạp xe ở dưới lòng hồ. Bố tôi vẫn câu cá ở đây nhưng năm nay nước đâu mà câu cá".

Trung tâm Khí tượng của CH Séc dự báo nắng nóng vẫn còn tiếp diễn trên lãnh thổ nước này trong vài tuần tới. Như vậy tình trạng khô hạn sẽ còn trầm trọng hơn và mực nước các sông, hồ sẽ còn xuống tiếp tục xuống thấp.

Trần Quang Vinh (Phóng viên TTXVN tại Praha)
Ô tô chảy nhựa do nắng nóng ở Italy
Ô tô chảy nhựa do nắng nóng ở Italy

Chiếc xe ô tô loại nhỏ đã bị chảy nhựa ròng ròng trong thời tiết nóng bức 37 độ C ở thị trấn ven biển Caorle, miền bắc Italy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN