Môritani - “pháo đài” nô lệ cuối cùng

Những biển cát bất tận của Môritani còn ẩn chứa một bí mật... công khai: Ước tính có từ 10 - 20% người dân nước này vẫn đang sống trong cảnh nô lệ. Và bước đi đầu tiên hướng tới tự do tại đây của các nạn nhân, thật đáng buồn, mới chỉ là nhận ra mình đang là nô lệ.

Moulkheir Mint Yarba đã thoát cảnh nô lệ với sự giúp đỡ của tổ chức SOS Slaves.


Năm 1981, Môritani là quốc gia cuối cùng trên thế giới tuyên bố xóa sổ chế độ nô lệ, tức là gần 120 năm sau khi Tổng thống Abraham Lincoln ra bản Tuyên ngôn Giải phóng tại Mỹ. Tuy vậy, sau đó, nhiều nhà hoạt động vẫn bị bắt giữ vì đấu tranh chống tình trạng nô lệ, trong khi chính phủ thì bác bỏ sự tồn tại của chế độ này. Đến tận năm 2007, quốc gia vùng Sahara mới coi chiếm hữu nô lệ là một tội ác. Và tới nay, mới chỉ có một chủ nô bị truy tố.

Năm 2010, Moulkheir Mint Yarba đã trốn thoát khỏi cảnh nô lệ. Cô đề nghị tòa án Môritani truy tố những ông chủ của mình. “Tôi đòi công lý, công lý cho con gái của tôi đã bị họ giết hại và công lý cho quãng thời gian tôi bị họ đánh đập và lạm dụng”, cô nói. Trước đó, sau một ngày chăn dê trên sa mạc, Moulkheir trở về nhà và phát hiện ra điều khủng khiếp: con gái của cô, mới chỉ đang biết bò, đã bị bỏ ra ngoài nhà và chết dưới cái nắng nóng của Sahara. Cha của đứa trẻ, chính là chủ nô từng cưỡng hiếp cô, đã giết đứa trẻ chỉ để cô làm việc nhiều hơn khi không phải lo cho con..

Chế độ nô lệ diễn ra gần như công khai giữa sa mạc mênh mông của Môritani.


Theo một báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc, ước tính 10 - 20% trong tổng số dân 3,4 triệu của Môritani vẫn đang sống cảnh nô lệ thực sự. Các phóng viên của CNN đã tìm cách đến Môritani để điều tra về thực trạng đó. Dù đã tìm hiểu trước tình hình, quốc gia Tây Phi này vẫn gây cho họ không ít ngạc nhiên. Đó là nơi những con dê và lạc đà đi lại thong dong trên đường bên cạnh những chiếc xe hơi của Pháp; nơi gió sa mạc đùa giỡn với áo choàng của những người chăn thả gia súc và nơi mà màu da và lịch sử gia đình của một người quyết định người đó là người tự do hay nô lệ.

Nơi này thật khó khăn để bất cứ ai từ bên ngoài tới có thể tìm hiểu, bởi không một cư dân nào được phép nói về hai từ “nô lệ”. Khi các phóng viên hỏi Bộ trưởng Phát triển nông thôn Môritani về sự tồn tại của chiếm hữu nô lệ, ông Brahim Ould M’Bareck Ould Med El Moctar khẳng định, đất nước ông là một trong những quốc gia tự do nhất thế giới!

“Xiềng xích” tinh thần

Vấn đề này nhạy cảm đến mức, các phóng viên đã phải tiến hành các cuộc phỏng vấn ở những nơi kín đáo, thường vào nửa đêm. Nếu bị bắt quả tang trò chuyện với những nô lệ trốn thoát như Moulkheir, họ có thể bị bắt hoặc trục xuất. Phóng viên CNN đã kín đáo gặp Moulkheir tại một văn phòng của tổ chức giải cứu nô lệ SOS Slaves ở thủ đô Nouakchott. Câu chuyện mà người phụ nữ độ tuổi 40 này kể lại toát lên hai sự thật đau đớn: Tại Môritani, “xiềng xích” nô lệ không chỉ nhằm vào thể chất mà cả tinh thần. Và để phá vỡ chúng - một quá trình dài không tưởng tượng nổi - lại đòi hỏi những đồng minh không chắc đã có.

Moulkheir sinh ra đã là một nô lệ ở vùng sa mạc phía bắc Môritani. Khi còn là một đứa trẻ, cô thường trò chuyện với những con lạc đà nhiều hơn là với người. Cô chưa bao giờ được trả công cho những năm tháng làm việc quần quật của mình. “Tôi sống như súc vật với súc vật”, cô nói.

Các chủ nô ở Môritani có toàn quyền đối với nô lệ của mình. Họ có thể cho tặng nô lệ như một món quà cưới cho bạn bè. Điều này đã dẫn đến những cuộc chia cắt đầy nước mắt. Moulkheir chưa từng biết mẹ cô và hiếm khi được biết về cha cô.

Hầu hết các gia đình nô lệ ở Môritani là những người da đen sậm, có tổ tiên bị những người Arập Berber có da sáng hơn bắt giữ từ hàng thế kỷ trước. Những nô lệ điển hình thường không được mua hay bán, mà chỉ cho tặng. Con cháu do họ sinh ra cũng trở thành nô lệ. Vì lẽ đó, các con của Moulkheir đều là nô lệ ngay từ khi chào đời, và tất cả đều là hậu quả của những lần cô bị ông chủ cưỡng hiếp.

Để thu thập thông tin về chế độ nô lệ ở Môritani, các phóng viên đã ra khỏi Nouakchott và thâm nhập sâu hơn vào Sahara, nơi sa mạc mênh mông khiến ta có cảm giác như bị giam giữ, không cách nào thoát ra được. Thi thoảng một ngôi làng lại lọt vào tầm mắt. Ở những nơi đó có chung cảnh tượng những người da đen sậm đang làm việc cật lực. Họ sống trong những túp lều rách nát như thể bị mục rữa dưới ánh mặt trời. Một số bị đánh đập. Một số bị giam cầm trong mối đe dọa bạo lực. Số khác giống như Moulkheir, bị xiềng xích bằng những biện pháp phức tạp, bị bịp bợm rằng màu da quá sậm khiến họ trở thành vô giá trị và vị trí của họ là phục vụ những ông chủ có màu da sáng hơn.

Một số nô lệ đã chạy trốn, rồi lại bị bắt trở về nhà chủ cũ, một số tự nguyện trở về, vì không thể sống sót do không có ai trợ giúp.

Tại sao chế độ nô lệ vẫn tồn tại?

Có nhiều yếu tố giải thích tình trạng phức tạp này:
Chính trị: Chính phủ Môritani không làm gì nhiều để loại bỏ tình trạng nô lệ, thậm chí vẫn bác bỏ sự tồn tại của nó. “Tất cả người dân Môritani đều được tự do và cảnh nô lệ không còn tồn tại”, một quan chức từng trả lời phỏng vấn CNN.

Địa lý: Môritani là một đất nước lớn nhưng hầu như trống không trên sa mạc Sahara. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi luật pháp, trong đó có cả các luật chống nô lệ. Sự rộng lớn của đất nước này còn đồng nghĩa các chủ nô vùng nông thôn và và cộng đồng du mục rất khó bị phát hiện.

Nghèo đói: Cuộc sống ở Môritani khó khăn cho cả nô lệ và đôi khi cả chủ nô. 44% người dân Môritani chỉ sống với thu nhập không đầy 2 USD/ngày. Các chủ nô và nô lệ thường rất nghèo, ít học và mù chữ. Điều này khiến việc tìm kiếm một cuộc sống ngoài đời nô lệ là cực kỳ khó khăn hoặc không thể.

Tôn giáo: Các lãnh đạo Hồi giáo địa phương (còn gọi là Imam) có truyền thống ủng hộ chế độ nô lệ. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, ngày nay, thái độ này vẫn tồn tại phổ biến ở các vùng nông thôn.

Phân biệt chủng tộc: Những người có màu da sáng hơn có lịch sử sở hữu những người có da đen sậm, và chế độ phân biệt chủng tộc ở Môritani còn rất nặng nề. Người Môritani sống theo chế độ đẳng cấp cứng rắn và tầng lớp nô lệ ở dưới đáy xã hội.

Giáo dục: Có lẽ điều ngạc nhiên nhất, là nhiều nô lệ ở Môritani không hiểu rằng họ đang là nô lệ. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng họ đã bị tẩy não, và tin rằng, vị trí của họ trong thế giới này là lao động như một nô lệ, không được trả công, không có quyền đối với các con của mình. Số khác lo sợ họ có thể mất vị thế xã hội nếu chạy trốn khỏi ông chủ giàu có. Những nô lệ trong các gia đình quyền quý cũng giành được một vị trí nhất định trong xã hội.

Các học giả đã phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa chế độ nô lệ Môritani hiện nay và chế độ nô lệ tại Mỹ trước cuộc Nội chiến Nam Bắc thế kỷ 19. Nhưng một điểm khác nhau cơ bản là: Nô lệ tại Môritani thường không bị giam giữ chặt về thể xác. Xiềng xích lớn nhất là từ suy nghĩ của họ. Các nô lệ thường hoàn toàn phục tùng, thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình vì ông chủ.

Để được tự do, một nô lệ trước hết phải phá vỡ được xiềng xích trong đầu mình. Lần đầu tiên các nhà hoạt động muốn cứu Moulkheir, cô đã từ chối. Cô chưa bao giờ biết đến cuộc sống bên ngoài sa mạc. Ý nghĩ về thành phố khiến cô hoảng sợ. Nhưng khi Moulkheir có thể nói về những sự lạm dụng mà cô phải gánh chịu, bản thân điều đó đã là một chiến thắng. Với nhiều nô lệ, ý tưởng đang bị người khác sở hữu và đối xử như một phần của đàn gia súc là bình thường, và đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.

Môritani là một mảnh đất mang vẻ đẹp đau đớn. Người dân nơi đây đã sống với những cam kết đã bị phá vỡ trong nhiều thập kỷ, kể từ khi lần đầu tiên chính quyền tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1905. Nhưng điều đó có thể thay đổi, nếu người Môritani biết là cả thế giới bên ngoài đang quan tâm đến họ. Liên hợp quốc đã đề xuất một loạt thay đổi mà chính phủ Môritani có thể tiến hành để nhanh chóng chấm dứt chế độ nô lệ. Trong số đó có: Trả chi phí cho các luật sư đại diện cho nạn nhân; cho phép quan sát viên quốc tế tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về tình trạng nô lệ; và cho phép các trung tâm nhân đạo như SOS Slaves được hoạt động rộng rãi để tái định cư các nô lệ đã tuyên bố quyền tự do của mình.

Bạch Đàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN