Lào phát triển du lịch sinh thái bền vững

Lào là nước không có biển, diện tích rừng chiếm 70% lãnh thổ. Đây cũng là thế mạnh để Lào phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp. Nhưng với tầm nhìn chiến lược bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chính phủ Lào đã phát triển mạnh các khu du lịch sinh thái, đem lại một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Theo các số liệu thống kê chính thức, năm 2010, số lượng khách du lịch đến với Lào lên hơn 2 triệu lượt người. Con số này thật ý nghĩa vì dân số Lào chỉ có hơn 6 triệu người.

Thác Kuang Si. Ảnh: Hoàng Chương

Ai một lần được thăm các khu du lịch sinh thái của Lào đều có ấn tượng mạnh về cách bảo tồn sinh thái của chính phủ cũng như người dân địa phương. Họ không chỉ bảo tồn cây rừng, mà còn bảo vệ những nét đẹp của văn hoá ứng xử đối với thiên nhiên như không vứt rác trong rừng, hái hoa, bẻ cây bừa bãi.

Chúng tôi nhớ mãi chuyến thăm cao nguyên Bôlôven (Nam Lào) mà từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã từng nghe đến. Đi giữa cao nguyên Bôlôven thực sự như lạc vào một thế giới tự nhiên hoang dã. Ở đây mọi thứ còn nguyên sơ. Hoa dại rất nhiều và đẹp. Các loại trái cây mà trẻ con rất thích như muồng, sim, me rất nhiều nhưng ít người hái. Thích nhất là được ngắm những chú ong cần mẫn hút nhụy hoa mà không sợ ai quấy phá. Dọc đường thỉnh thoảng có một vài người bán mật ong rừng mới lấy được. Nhìn những giọt mật ong rừng vàng óng chảy từ tổ ong thật hấp dẫn. Giá cả cũng rẻ chỉ khoảng 100.000 VNĐ/lít.

Chính có tầm nhìn lâu dài giữ được chất hoang dã của núi rừng nên du khách, nhất là khách phương Tây, đến với Lào ngày một nhiều.

Ngày hè ở khu du lịch sinh thái Văng Viêng, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 150km, chúng tôi có cảm giác đây là một thị trấn của phương Tây. Ra đường, trong quán gặp du khách phương Tây. Họ đến Văng Viêng theo từng nhóm và thường ở cả tuần. Anh Cissokho M'Bengue (quốc tịch Pháp) cho biết, anh đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào ấn tượng như ở đây. Vì ở Văng Viêng mọi thứ đều còn như nguyên sơ, từ hang động thác nước, dòng sông đậm chất nhiên nhiên nên tạo cho con người cảm giác rất thoải mái. Hơn nữa khí hậu ở đây rất trong lành, yên tĩnh nên mọi người đều muốn ở lâu để tận hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng sinh thái này. Du khách thích leo núi, thám hiểm hang động và nằm trên phao thả người theo dòng nước.
Rời Văng Viêng ngược lên phía bắc được sống trong khu du lịch sinh thái Namha của tỉnh Luông Nậm Thà hay cố đô Luôngphabang mới thấy hết thi vị của núi rừng. Nhưng dù ở đâu du khách vẫn không thể quên khu du lịch sinh thái Thác Kuang Si.Thác Kuang Si quần thể nhiều thác lớn nhỏ tập trung tại núi Kuang Si cách Luôngphabang 29 km. Đường vào thác uốn khúc ngoằn ngoèo rợp bóng cây xanh. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới bắt gặp một rừng nguyên sinh đúng nghĩa, giống như rừng Trường Sơn hùng vĩ năm nào. Bên cạnh những cây cổ thụ cao vút giữa đại ngàn còn có những thảm thực vật xanh mướt và nhiều hoa rừng đỏ tươi bắt mắt. Thác Kuang Si đổ từ trên cao tung bọt trắng xóa trông rất hùng vĩ. Mặc dù trời đã về chiều nhưng du khách vẫn đổ về Kuang Si để thưởng ngoạn và ngụp lặn trong dòng nước mát của núi rừng.

Hiện Lào có 20 khu du lịch sinh thái, chiếm 14% diện tích cả nước. Những khu du lịch sinh thái này thể hiện tầm nhìn chiến lược của chính phủ Lào trong tham vọng trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch sinh thái. Trước mắt tạo cho cư dân nơi đây có việc làm ổn định, hạn chế tình trạng du canh du cư, giúp người dân sớm thoát nghèo.

Bên cạnh phát triển những khu du lịch sinh thái, chính phủ cũng có những chính sách thông thoáng nhằm thu hút du khách. Hiện tại Lào đã có chính sách miễn visa cho công dân các nước ASEAN và một số nước. Người dân cũng được làm quen với các dịch vụ du lịch, do đó đã giúp ngành du lịch của Lào không ngừng phát triển mặc dù ít quảng bá rầm rộ.

Với nhiều dự án du lịch tiếp tục được triển khai, chính phủ quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 ngành du lịch đạt 1 tỷ USD.

Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN