Lạm phát tăng cao, giá thực phẩm leo thang đã khiến nhiều gia đình ở Trung Quốc xắn tay xới đất trồng rau, quây chuồng nuôi gà. Tham gia vào “công cuộc” tái hiện nền kinh tế tiểu nông ấy, người ta bất ngờ thấy cả bóng dáng của cơ quan chính quyền, doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn, công ty tư doanh, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và cả một số tổ chức cá nhân tự phát.
Nỗi lo về an toàn thực phẩm khiến nhiều người dân thành phố ở Trung Quốc về nông thôn thuê đất trồng rau. |
Theo tờ Nhật báo Kinh tế Tài chính Đệ nhất (Trung Quốc) số ra mới đây, trong kỳ họp Lưỡng hội năm nay, đại biểu Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Trì Lợi đã kêu gọi chính phủ quản lý chặt công tác an toàn thực phẩm. Nữ Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Vũ Hán này cũng cho giới truyền thông biết 3 năm nay bà tự tay trồng rau. Không dùng phân hóa học mà chỉ chăm bón bằng bã đậu, nên rau bà trồng ăn có vị khác hoàn toàn so với rau mua ngoài chợ.
Câu chuyện của bà Trì Lợi cũng giống với nhiều người dân thành phố khác ở Trung Quốc. Chính vì thế, gần đây người dân ở khu vực Phật Sơn thuộc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông lại có thêm nghề mới: Cho thị dân thuê đất trồng rau, thời hạn ngắn là một tháng, dài thì vài năm. Trên mảnh đất thuê được có khi chỉ vài chục m2, các công dân sinh sống nơi đô hội có thể tự tay cày cuốc, vun xới và chăm bẵm cho những luống rau của mình. Đó không chỉ là sự thể nghiệm cuộc sống của người nông dân hay tham gia vào một thú tiêu khiển mới nổi sau những giờ làm việc căng thẳng, mà còn là mong muốn có được cảm giác ngon miệng hơn với chính sản phẩm mình làm ra và cao hơn thế là cảm giác yên tâm trong bữa cơm gia đình.
Dẫn tâm sự của Giáo sư Hà Binh thuộc Đại học Chính pháp Trung Quốc, tờ Thái Dương của Hồng Công (Trung Quốc) ngày 13/11 vừa qua cho biết năm 2009, khi ăn cơm tại căng tin của một cơ quan chính quyền tỉnh nọ ở miền tây, viên chức tháp tùng đã nói với ông rằng cơ quan họ thuê mấy chục mẫu ruộng ở nông thôn, sau đó thuê nông dân trồng rau. Trong quá trình chăm sóc tuyệt đối không dùng phân hóa học cũng như thuốc trừ sâu, nên sản phẩm làm ra đều là xanh, sạch, ăn không phải lo lắng gì. Theo Giáo sư Hà Binh, mấy cơ quan cấp tỉnh mà ông có dịp tới đều tự thiết lập cho mình nông trang riêng.
Qua điều tra, tờ Nhật báo Kinh tế Tài chính Đệ nhất phát hiện, tham gia vào “công cuộc” tái hiện nền kinh tế tiểu nông ấy còn có cả doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn, công ty tư doanh, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Một công ty cấp tỉnh ở miền trung của Tập đoàn Công nghiệp Hóa dầu Trung Quốc (SINOPEC) hiện nay sở hữu một nông trang khổng lồ chuyên cung cấp thực phẩm phụ cho cán bộ, nhân viên công ty. Công ty điện lực ở tỉnh này cũng đang ráo riết tìm một mảnh đất đủ rộng để làm trang trại sản xuất rau củ. Tin tức từ nội bộ tiết lộ, công ty sẽ không tiếc tiền để hoàn thành việc lớn liên quan đến phúc lợi của cán bộ, nhân viên.
Một tấm biển cho thuê đất ở Hàng Châu. |
Xuất phát từ góc độ phúc lợi của cấp dưới, lãnh đạo một số đơn vị và ông chủ một số doanh nghiệp đã bố trí hẳn người chuyên trách quản lý công tác tự cung cấp thực phẩm cho đơn vị, doanh nghiệp mình. Ở khía cạnh này có thể nói Công ty Quản lý quỹ Dị Phương Đạt ở Quảng Châu thực hiện rất chu đáo. Ngoài việc thuê đất ở khu ngoại thành ít ô nhiễm, lãnh đạo công ty còn lựa chọn giống rau đảm bảo không thuộc dạng biến đổi gen. Sản phẩm thu hoạch nếu nhà ăn công ty không dùng hết sẽ bán cho cán bộ, nhân viên công ty. Tại Thượng Hải, một doanh nghiệp đầu tư dân doanh thuộc lĩnh vực tài chính và bất động sản đã xuống Tô Châu thuê liền hơn 400 mẫu ruộng trồng rau sạch cung cấp cho khách hàng hội viên theo đơn đặt hàng.
Nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp còn thu hút rất nhiều công nhân “cổ cồn trắng”. Ở Trung Quan Thôn (Bắc Kinh), hơn 20 công nhân “cổ cồn trắng” đã tự phát tổ chức “Liên minh mua rau”, thực chất là thuê một nông dân ngoại thành trồng rau cho họ. Theo một thành viên của “Liên minh mua rau”, hiện nay tại Trung Quốc đã có hơn 100 tổ chức tự phát như họ.
Nếu nói rằng việc doanh nghiệp thuê đất trồng rau sạch là thể hiện sự quan tâm của các ông, bà chủ doanh nghiệp đối với sức khỏe của cán bộ nhân viên, rõ ràng hành vi của các tổ chức tự phát như “Liên minh mua rau” là xuất phát từ sự bức bách của hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, theo tờ Nhật báo Kinh tế Tài chính Đệ nhất, việc một số đơn vị, cơ quan cũng tham gia vào nền sản xuất tự cung tự cấp thực phẩm phụ, xem ra có cái gì đó “tức mắt”. Nhưng dẫu thế nào, tờ Thái Dương cho rằng, hiện tượng tự cung tự cấp thực phẩm phụ cho thấy sự mất lòng tin nghiêm trọng giữa các quần thể xã hội, bao gồm sự mất lòng tin của xã hội đối với quá trình và phương thức sản xuất cũng như các khâu lưu thông thực phẩm, thậm chí là cả sự bất tín nhiệm đối với những người làm công tác quản lý và giám sát an toàn thực phẩm.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)