Khi người Mỹ “đốt” lương thực của 412 triệu người

Theo mạng tin "oilprice", vụ ngô năm nay của Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán nghiêm trọng hiện nay, khiến các chuyên gia tiếp tục điều chỉnh dự báo sản lượng ngô xuống thấp hơn nữa. Trong khi đó, khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang có kế hoạch dành 40% sản lượng ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học.


Gần 5 tỷ giạ ngô (1 giạ = 25,4 kg) mà Mỹ dự kiến dành để sản xuất 13,5 tỷ gallon ethanol (1 gallon = 3,785 lít) có thể nuôi sống 412 triệu người trong một năm. Đây là vấn đề cần lưu ý bởi vì các nghiên cứu vòng thời gian cho thấy sản xuất ethanol từ ngô một mặt có những ưu điểm so với xăng dầu, song mặt khác cũng có những tác động nhất định đối với việc sử dụng đất nông nghiệp và nước, trong khi làm tăng nạn phá rừng và việc sử dụng phân bón. Thêm vào đó, việc sản xuất ethanol từ ngô đang góp phần làm tăng giá lương thực do sự cạnh tranh đất canh tác với các loại lương thực khác.


 

Cánh đồng ngô ở bang Illinois gần như bị đốt cháy. Ảnh: Internet

 

Đối với nhiều người dân ở các nước đang phát triển, giá lương thực tăng có nghĩa là họ không được ăn no. Người dân ở các nước thuộc khu vực sa mạc Sahara châu Phi phụ thuộc rất lớn vào lương thực nhập khẩu cảm nhận được ảnh hưởng của việc giá lương thực tăng khi phải dành phần lớn thu nhập để mua lương thực. Theo một báo cáo hồi tháng 10/2011 của Liên hợp quốc, 26 quốc gia vẫn có nguy cơ xảy ra nạn đói rất cao, trong đó sản xuất nhiên liệu sinh học đang là một trong những nguyên nhân quan trọng.


Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng việc quá đề cao ethanol từ ngô có thể dẫn đến nguy cơ bạo loạn về lương thực. Quan điểm này được nhấn mạnh bởi thực tế giá ngô giao sau hiện nay chỉ kém mức giá cao nhất từ trước đến nay chưa đầy 15 xu/giạ. Lý do duy nhất mà các nhà bảo vệ môi trường và ủng hộ năng lượng sạch đưa ra để bảo vệ ethanol chế từ ngô là hy vọng rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất ethanol từ ngô đó sẽ mở đường cho việc sản xuất ethanol xenluloza. Nhưng rút cuộc, đó lại là một sai lầm.


Cho đến trước năm 2050, tác động từ việc sử dụng nhiên liệu sinh học đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ "rất hạn chế". Ông Mahendra Shah, một cố vấn của chương trình an ninh lương thực của Cata, cho rằng trong 20 năm tới, thế giới sẽ không giảm được đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng qua việc sử dụng nhiên liệu sinh học, do phải tập trung trước hết vào việc trồng các loại cây phục vụ sản xuất loại nhiên liệu này. Bằng việc tập trung đầu tư vào sản xuất ethanol từ ngô, Mỹ đang ít chú trọng tới các công nghệ khác, kể cả các công nghệ sản xuất các loại nhiên liệu sinh học khác như ethanol từ xenlulô và điêden sinh học từ tảo vi sinh được cho là ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính hơn so với ethanol từ ngô.


Mạng tin oilprice cho rằng, trong lúc giá dầu mỏ cao, việc dùng nhiều năng lượng cho sản xuất lương thực có nghĩa là giá dầu sẽ tăng cùng với giá lương thực và giá nhiên liệu sinh học cũng tăng theo. Mỹ là một nước giàu, lại là vựa lúa mỳ của thế giới nên ít bị ảnh hưởng của việc tăng giá lương thực và dầu thô. Nhưng khi dân số thế giới tăng lên, chế độ ăn tại các nước đang phát triển thay đổi và tình hình thời tiết khắc nghiệt khiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, chính sách nhiên liệu sinh học của Mỹ cần phải thay đổi. Đã đến lúc Mỹ không nên dành quá nhiều ngô, nguồn lương thực có giá trị, cho sản xuất ethanol, mà nên dành cho việc nuôi sống những người bị đói.


Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN