Đến thủ đô Kinshasa của CHDC Congo, người ta có thể thấy ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người máy (robot) điều khiển phương tiện giao thông thay cảnh sát. Có thể, robot giao thông sẽ là câu trả lời cho bài toán tắc nghẽn giao thông trong tương lai của không chỉ Congo mà còn nhiều nước khác.
Robot giao thong (Cảnh sát robot) làm nhiệm vụ ở giao lộ Triomphal. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hai robot cao lớn với cánh tay dài và giọng nói trầm đứng sừng sững tại hai giao lộ lớn ở Kinshasa là giải pháp mới lạ của tổ chức “Women's Technology” (Công nghệ của phụ nữ). Robot đầu tiên cao 2,5 mét làm nhiệm vụ của cảnh sát giao thông từ tháng 6/2013 tại đại lộ Lumumba đông đúc thuộc quận trung tâm Limete. Theo bà Therese Ir Izay Kirongozi, người thành lập “Women's Technology”, robot đầu tiên này có mặt tại đây để “dọn đường” an toàn cho người đi bộ.
Nhóm bảy nữ kỹ sư của bà Therese đã phát triển con robot này trong một khu xưởng nhỏ nghèo nàn. Hồi tháng 10/2013, họ đã cho ra đời một robot tinh vi hơn, có khả năng kiểm soát luồng giao thông. Robot này được lắp đặt tại giao lộ Triomphal trước tòa nhà quốc hội.
Robot giao thông làm nhiệm vụ 24/24 giờ. Để chống chọi được với thời tiết nóng ẩm quanh năm ở Congo, nó được làm bằng nhôm và thép không gỉ. Năng lượng cho robot hoạt động được lấy từ các tấm năng lượng mặt trời. Robot có thể quay phần ngực và camera giám sát ghi lại hình ảnh các luồng phương tiện.
Ngoài chức năng hoạt động như đèn giao thông với ba màu tín hiệu, robot có thể giơ hoặc gập cánh tay ra hiệu cho các phương tiện dừng lại hay đi tiếp. Không chỉ thế, robot giao thông còn rất sinh động khi có thể nói những câu đã được lập trình sẵn, để yêu cầu các phương tiện nhường đường cho người đi bộ. Ví dụ như “Lái xe, các bạn nên nhường đường cho người đi bộ”. Vừa nói câu này, robot vừa giơ một cánh tay lên, hạ cánh tay kia xuống, đồng thời bật đèn đỏ hoặc đèn xanh phù hợp.
Phản hồi đầu tiên về robot giao thông rất tích cực, từ cả phía người dân và chính phủ. Lái xe taxi Franck Mavuzi nói: “Chúa ban phước cho người phát minh ra nó. Robot rất tuyệt”. Theo anh Mavuzi, cảnh sát giao thông làm phiền người lái xe rất nhiều và đề xuất để robot làm nhiệm vụ điều khiển giao thông. Mavuzi muốn ám chỉ đến việc cảnh sát giao thông thường tìm cách “moi tiền” của lái xe.
Ông Val Manga, Chủ tịch Ủy ban An toàn Đường bộ Quốc gia, nhận định: “Đây là một đổi mới trong lĩnh vực an toàn đường bộ. Chúng ta cần nhân rộng những robot thông minh này để lắp đặt tại nhiều giao lộ trong các thành phố”.
Bà Kirongozi tự hào nói: “Có nhiều loại robot trên thế giới, nhưng robot xử lý an toàn đường bộ và điều khiển giao thông thì chỉ có ở Congo”. Bà hi vọng dự án sản xuất robot giao thông có thể tạo nhiều việc làm cho người dân Congo, đồng thời mong muốn tiếp thị dự án này đến với các quốc gia khác. Nhóm của bà Kirongozi dự định giới thiệu sáng tạo của mình tại các hội chợ thương mại quốc tế ở Canada và Thụy Sĩ vào tháng 4 tới.
Chi phí để tạo ra một robot giao thông vào khoảng 15.000 USD. Hai robot hiện nay đều được làm bằng tiền của công ty kinh doanh giải trí và nhà hàng Planete J của bà Kirongozi.
Sau khi robot ghi lại hình ảnh bằng các máy quay, những hình ảnh này được gửi đến một trung tâm lưu trữ thông qua Internet và có thể dùng để xử phạt người vi phạm giao thông. Hiện nay, mọi dữ liệu như vậy đều thuộc quyền sở hữu của “Women's Technology”.
Về tương lai của robot giao thông, bà Kirongozi tỏ ra lạc quan. Bà cho biết ở thủ đô Kinshasa có tới 600 giao lộ nguy hiểm và địa điểm giao thông phức tạp cần tới robot giao thông. Nếu được triển khai đồng bộ, thành phố 10 triệu dân Kinshasa có thể xóa bỏ hình ảnh giao thông hỗn loạn và tắc đường triền miên.
Hiện nay, đèn giao thông ba màu tín hiệu ở Kinshasa không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm. Trong khi đó, nhiều ô tô đã cũ kỹ và không phải lái xe nào cũng chú ý tới các biển báo trên đường.
Thùy Dương