Ý tưởng táo bạo này được hai nghệ nhân gốm tài ba Hugo Osorio và Pedro Fuentes hiện thực hóa. 25 tác phẩm điêu khắc bằng đất sét do họ tạo ra đã trở thành một rạn san hô nhân tạo đầy màu sắc giữa làn nước xanh thẳm xung quanh hòn đảo Isla Fuerte, ngoài khơi Colombia. Mỗi "tác phẩm" cao khoảng 1,5m, được đặt rải rác ở độ sâu khoảng 6m dưới đáy biển. Chúng nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều sinh vật biển, trong đó có cả cá và thợ lặn.
Mang tên MUSZIF, dự án này được nhà thiết kế thời trang Tatiana Orrego, cũng là cư dân trên đảo Isla Fuerte, khởi xướng từ năm 2018. Mục tiêu của dự án là tạo ra thêm 25 tác phẩm nữa trong tương lai. Ông Orrego chia sẻ khi chứng kiến sự suy thoái của các rạn san hô tự nhiên trên đảo, ông nhận thấy dự án nghệ thuật này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy vòng đời của san hô. Ông Orrego đã cấy san hô non lên các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét và quan sát chúng sinh trưởng. Những tác phẩm này là "chất nền lý tưởng" cho sự phát triển của các loài động vật không xương sống này dưới biển.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), kể từ đầu năm nay, thế giới đã chứng kiến đợt tẩy trắng san hô quy mô lớn. Đây là đợt tẩy trắng toàn cầu thứ tư được ghi nhận và là lần thứ hai xảy ra trong 10 năm qua. Hiện tượng tẩy trắng san hô khiến san hô chết hàng loạt, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, ngành du lịch và an ninh lương thực. Theo NOAA, sự nóng lên của đại dương là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Tại Colombia, các rạn san hô trải rộng trên khu vực có diện tích tương đương 100.000 sân bóng đá, nhưng hơn 2/3 số đó đã bị tẩy trắng. Ngoài ra, san hô còn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác do hoạt động du lịch, như việc du khách bẻ gãy các mảnh san hô để mang lên bờ hoặc giẫm đạp lên các cấu trúc san hô.
"Phòng trưng bày" san hô Isla Fuerte đón khoảng 2.000 du khách/năm. Nơi đây mang lại không gian lý tưởng để khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng san hô mà không gây quá tải cho các rạn san hô tự nhiên.