Israel và Jordan theo đuổi một mục tiêu chung khắc phục tình trạng khô cạn của biển Chết. Ảnh: THX/TTXVN |
Mặc dù căng thẳng địa chính trị đã làm trì hoãn dự án tham vọng này trong nhiều năm, song những tín hiệu gần đây cho thấy triển vọng hoàn tất dự án đang trở nên sáng sủa hơn.
Các chuyên gia cảnh báo mực nước tại biển Chết mỗi năm giảm 1m và tình trạng khô cạn hoàn toàn có thể diễn ra trong 30 năm. Với vẻ đẹp tự nhiên và lượng bùn giàu khoáng chất, biển Chết đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Theo chuyên gia Avner Adin, thuộc Đại học Hebrew của Jerusalem, biển Chết là một tài sản vô giá về văn hóa, môi trường và cũng là nguồn tài nguyên quý giá về mặt kinh tế.
Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2013, Israel, Jordan và Palestine đã ký một thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD, trong đó có xây dựng một nhà máy khử muối gần thành phố Aqaba (Jordan). Sau khi sản xuất nước ngọt, phần chất lỏng chứa hàm lượng muối cao sẽ được chuyển theo đường ống dẫn đến biển Chết, tạo nguồn "nguyên liệu" cho hai nhà máy thủy điện.
Tháng 11/2016, Jordan đã thông báo chọn 5 liên danh quốc tế để xây dựng giai đoạn đầu của hệ thống kênh dẫn nước. Song, các cuộc đàm phán về việc làm thế nào để cấp kinh phí cho thỏa thuận (vốn cần đến khoảng 400 triệu USD từ đầu tư công) và căng thẳng địa chính trị đã làm dự án bị đình trệ.
Theo chuyên gia Adin, tình hình đang được cải thiện, song trở ngại chính hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Các nhà tài trợ từ Mỹ và Nhật Bản đã cam kết chi 120 triệu USD cho dự án, Liên minh châu Âu và một số quốc gia thành viên hỗ trợ khoản vay ưu đãi trị giá 140 triệu USD cho Jordan. Một số quan chức Jordan thậm chí khẳng định sẽ thúc đẩy dự án dù có hay không có sự tham gia của Israel. Đối với một đất nước phần lớn là sa mạc như Jordan, đảm bảo nguồn nước được coi là vấn đề an ninh quốc gia.