Jakarta và cuộc tranh luận nổi - chìm

Để chống lại tình trạng nước biển xâm lấn, thủ đô 10 triệu dân của Indonesia đang bắt tay vào một trong những dự án xây đê biển lớn nhất trong lịch sử. Nhưng lợi bao nhiêu, hại mấy phần vẫn là câu chuyện còn gây nhiều tranh cãi.

Đứng trên bờ vịnh Jakarta, không khó để nhìn thấy cảnh những ngôi nhà mỏng manh nằm kế bên dãy đê ngăn nước biển chỉ cao hơn mặt đất chưa đầy một mét hoặc những chiếc cần trục đang dở dang công việc khai thông sông ngòi tắc nghẽn do rác thải hay cảnh cả xe máy, xe đạp rẽ nước trên những con đường tại quận Pluit thấp trũng. Đó chính là một phần hiện thực của Jakarta, như nhận xét của nhà địa vật lý học người Hà Lan Victor Coenen sau một chuyến khảo sát: “Thành phố không thể bắt kịp với tốc độ chìm xuống”. Mỗi năm, trung bình thủ đô của Indonesia thấp đi 7,5 cm so với mực nước biển trong khi tại một số điểm, con số này là 25 cm. Nếu so sánh với Venice (Italy), đây là tốc độ thấp đi nhanh hơn theo hàm số mũ.

Đồ họa dự án ước tính sẽ ngốn tối thiểu 40 tỉ USD với bức tường biển bên ngoài cùng 17 hòn đảo nhân tạo. Ảnh: National Geographic

Nổi tiếng với nhiều thắng cảnh, song đâu đó tại Jakarta trẻ em vẫn lội qua dòng nước ngập đến thắt lưng để đến trường và gần nửa dân số của thành phố này thường xuyên sống trong cảnh lũ lụt. Trong một đợt thủy triều cao của mùa Giáng sinh năm trước, nước biển đã tràn qua đê bảo vệ của quận Pluit. Dự báo trong vòng 15 năm tới, 80% diện tích phía bắc thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển, tăng từ mức 40% ở thời điểm hiện tại. Và trong vòng 50 năm tới, những con đường hiện tại có khả năng “ngâm mình” dưới 30 cm nước.

Tham vọng và nhiều tranh cãi

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp do hiện tượng nóng lên toàn cầu, Jakarta bắt tay vào một trong những dự án đê biển lớn nhất trong lịch sử, chia làm ba giai đoạn trong 30 năm. Theo đó, một đường đê dài 40 km và cao gần 2,5 m sẽ được dựng lên ngoài bờ biển. 1/3 chiều cao sẽ nổi trên mặt nước. Để chi trả cho dự án ước ước tính sẽ ngốn tối thiểu 40 tỉ USD, các nhà hoạch định lên kế hoạch xây dựng 17 hòn đảo nhân tạo mới với nhiều căn hộ sang trọng, trung tâm thương mại cùng những khu văn phòng cao cấp. Tổ hợp đê biển và các hòn đảo sẽ tạo thành hình Garuda, loài sinh vật huyền bí trong Hindu giáo, có hình dạng giống loài chim, đồng thời là biểu tượng quốc gia của Indonesia, án ngữ trên vịnh Jakarta. Bắt đầu từ năm 2014, Jakarta bước vào giai đoạn đầu tiên, nâng chiều cao của đê biển hiện tại thêm trung bình trên 2 m trong hai năm tiếp theo.

Xây đê biển từ lâu đã không còn là điều xa lạ với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh mực nước biển ở các đại dương đã dâng cao thêm gần 30,48 cm so với một thế kỉ trước và không có dấu hiệu sẽ chững lại. Mỹ đã chi trên 14 tỉ USD xây các công trình bảo vệ New Orleans sau siêu bão Katrina năm 2005. Hà Lan là quốc gia nổi tiếng với những con đê lớn. Năm 2010, Hàn Quốc hoàn thành Saemangeum, con đê nhân tạo dài nhất thế giới với tổng chiều dài 32 km. Nhật Bản hiện đang đề nghị xây dựng một hệ thống chắn trên biển dài 400 m, có chiều cao bằng bốn tòa nhà sau thảm họa sóng thần 2011. Theo một bản nghiên cứu năm 2014, xây đê biển là lựa chọn của nhiều quốc gia bởi chi phí xây dựng sẽ rẻ hơn chi phí phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt.

Dù có nhiều triển vọng, song siêu dự án của Indonesia vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề môi trường sinh thái, tái định cư cho hàng ngàn người sống ở ven biển. Những người phản đối còn cho rằng dự án không giải quyết cội rễ vấn đề chìm đi với tốc độ chóng mặt: Đó là tình trạng hút nước ngầm bừa bãi. Từng thực hiện một cuộc nghiên cứu về Jakarta, giáo sư Christophe Girot tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, đánh giá dự án này không giải quyết việc người người, nhà nhà khai thác trái phép mạch nước ngầm. Trong khi đó, dù Jakarta phát triển nhanh chóng nhưng khả năng xử lý nước thải lại không bắt kịp nhu cầu nước sạch của tất cả cư dân. Mỗi ngày, dòng rác khoảng 500 tấn vẫn đổ vào các hệ thống sông ngòi càng làm tăng chi phí xử lý nước.

Theo giáo sư Girot, dù xử lý gốc rễ vấn đề là công việc phải mất hàng thập kỉ, song không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Và “khi Jakarta làm được điều này, ai sẽ cần một đường đê biển lớn đóng vịnh Jakarta cơ chứ”, giáo sư Girot kết luận.
Anh Tiếu (Theo National Geographic)
Indonesia muốn xây "Trân Châu Cảng" ở Biển Đông
Indonesia muốn xây "Trân Châu Cảng" ở Biển Đông

Indonesia đã lên kế hoạch tăng cường quân sự hóa quần đảo Natuna và đây được coi là động thái mới nhất của nước này nhằm củng cố năng lực quốc phòng tại Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN