Nhiều người chắc không còn xa lạ trước cái tên “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL). Nhưng năng lực của nhóm khủng bố này vẫn còn là điều bí ẩn.
Ai cũng ngạc nhiên với sự trỗi dậy bất ngờ của ISIL, nhưng điều gây bất ngờ nhất chính là việc đây là nhóm khủng bố “giàu” nhất trên thế giới do nhận được sự hậu thuẫn từ bên ngoài, cùng với các nguồn thu “tự tạo” ở bên trong.
Phiến quân thuộc ISIL. Ảnh: FAN |
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã chỉ đích danh Qatar và Saudi Arabia là những nước hậu thuẫn lớn nhất, hỗ trợ các nhóm chống chính phủ ở Syria mà ISIL là nòng cốt. Tuy nhiên, theo viện Brookings (Mỹ), Kuwait mới chính là “bệ đỡ tài chính” đối với các nhóm phiến quân nổi dậy Syria. Còn một quan chức tình báo chia sẻ với tờ The Guardian (Anh) rằng, ISIL có nguồn thu lớn ước tính vào khoảng 2 tỉ USD từ việc hút dầu tại các mỏ ở miền đông Syria và bán ngược trở lại cho chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ước tính: ISIL có khoản thu nhập thường xuyên khoảng 8 triệu USD/tháng, chỉ riêng tại Mosul. Đó là khoản tiền có được chủ yếu từ các hoạt động phi pháp như bắt cóc, tống tiền, cướp bóc, đánh “thuế đường” đối với xe ôtô muốn qua lại an toàn… “Ngân sách” của ISIL có thêm 400 triệu USD nữa, sau khi nhóm này chiếm được Mosul, chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng trung ương và nhiều cơ quan tài chính đặt tại đây.
Xem ra ISIL cũng đã có bước tính rất bài bản về mặt tài chính, khi quyết giành quyền kiểm soát các cơ sở dầu mỏ lớn. Trong trận giao tranh ác liệt nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất nước ở Baiji, nằm giữa Baghdad và Mosul, quân nổi dậy đã tìm cách tiếp cận các gia đình có con em làm việc tại đây và thỏa thuận sẽ ngừng bắn để cho những người này di tản khỏi nhà máy một cách an toàn. Đó không hẳn là một hành động nhân đạo, "họ muốn những người công nhân kia quay trở lại vận hành khi chiến sự ngừng và làm chủ được nhà máy”, một quan chức địa phương nhận định.
HT (
aljazeera)