Hy Lạp: Kinh tế khó khăn, nhiều người quẫn trí

Những số liệu mới công bố cho thấy tỷ lệ tự tử ở Hy Lạp đã tăng 40% lên mức cao nhất ở châu Âu và các chuyên gia nói rằng nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế.

Kinh tế khó khăn, người ăn xin xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Hy Lạp.


Theo Bộ Y tế Hy Lạp, các biện pháp kinh tế khắc khổ và đời sống đi xuống liên tục khiến số người tự tử trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2011 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010. Số vụ tự tử không thành cũng tăng. Trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính cách đây 3 năm, Hy Lạp có tỷ lệ tự tử thấp nhất ở châu Âu: 2,8/100.000 người. Ngày nay, rất nhiều người tìm đến cái chết bất chấp thực tế rằng Giáo hội chính thống ở Hy Lạp không làm lễ an táng cho những người tự tử.
Hầu hết các vụ tự tử, thành hay bất thành, đều xảy ra ở vùng Attica xung quanh Aten và trên đảo Crete. Rất nhiều người tự tử trong 18 tháng qua là những doanh nhân không hề có tiền sử về các bệnh tâm lý.

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời Eleni Beikari, một bác sỹ tâm lý thuộc tổ chức phi chính phủ Klimaka có đường dây nóng 24/24 chuyên tư vấn về tự tử: “Khi mọi người gọi điện đến nói rằng họ đang nghĩ đến việc tự tử, nguyên nhân đưa ra không giống nhau, nhưng hầu hết đều là nợ nần, thất nghiệp, nỗi sợ hãi bị sa thải”. Trước khủng hoảng, đường dây nóng của Klimaka nhận được trung bình 10 cú điện thoại/ngày; hiện nay mỗi ngày có tới hơn 100 cuộc gọi đến. Theo bác sĩ Beikari, hầu hết những người gọi đến đều khoảng 30 - 50 tuổi nếu là nữ giới và 40 - 45 tuổi nếu là nam giới, tất cả đều tuyệt vọng về kinh tế. Bác sĩ Beikari nhận định: “Theo kinh nghiệm của tôi, tình trạng của nam giới nghiêm trọng hơn, bởi họ bị tổn thương lòng tự trọng và mất danh dự”.

Khi nền kinh tế sắp suy thoái trong năm thứ 5 liên tiếp, Hy Lạp đối mặt với tình trạng nghèo khổ gia tăng, thất nghiệp đạt mức kỷ lục 18% (trong đó độ tuổi 25 - 40 chiếm hơn 42%) và tội phạm hoành hành. Đạo đức xã hội xuống cấp ở mức độ không thể tưởng tượng. Chỉ riêng số người vô gia cư ở thủ đô Aten đã vượt quá 20.000 người. Cắt giảm ngân sách ảnh hưởng mạnh mẽ tới các chương trình phúc lợi xã hội. Tệ nạn ma túy gia tăng. Khủng hoảng kinh tế đã biến dạng thành những chứng bệnh tâm lý, trầm cảm, rối loạn tâm thần và tự hủy hoại bản thân. Các chuyên gia tâm lý cho biết nhu cầu chữa bệnh tâm lý đã tăng 30% trong năm qua, trong đó hầu hết bệnh nhân nói rằng sự lo lắng và trầm cảm do sức ép tài chính buộc họ phải tìm đến bác sĩ.

Các đường dây nóng giúp đỡ trẻ em cũng liên tục bận với những cuộc gọi đến. Katiana Spyrides, một bác sĩ tâm lý khác, nói: “Cuộc khủng hoảng rõ ràng đã gặm nhấm các mối quan hệ trong gia đình. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy rằng mức độ trầm cảm ở trẻ em và trẻ vị thành niên gia tăng mạnh mẽ. Chúng phải đối mặt với những vấn đề mới, như cha mẹ phải vào tù vì phạm tội kinh tế, hoặc tình hình buộc chúng phải hy sinh tình cảm và các nhu cầu khác”.

Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng đáng báo động này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng Hy Lạp cần có một chính sách ngăn chặn tự tử mang tầm quốc gia. Bác sĩ Beikari nói: “Cần tăng cường các chính sách phòng ngừa. Giáo viên, quản ngục, linh mục, cảnh sát và những người có nghề nghiệp dễ dàng phát hiện ý định tự tử của người khác cần phải được tuyên truyền. Vấn đề này không thể làm ngơ lâu hơn nữa”.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN