Theo hãng thông tấn AFP, hàng năm, tộc người Tengger ở Indonesia lại từ các vùng cao nguyên lân cận tìm về núi lửa Bromo vào dịp lễ hội Yadnya Kasada để dâng hoa tươi, quả ngọt, rau xanh và động vật sống như gà, dê.
Thông qua việc ném vật hiến tế vào miệng núi lửa, họ hy vọng sẽ làm hài lòng tổ tiên cùng các vị thần Hindu, cũng như mang lại sự thịnh vượng cho cộng đồng.
Một tín đồ có tên Wantoko chia sẻ: “Tôi mang nông sản tự trồng đến cúng tế với hy vọng các cánh đồng của tôi sẽ màu mỡ và bội thu. Năm nay tôi cũng đến đây”.
Đứng trên bờ dốc thẳng đứng của ngọn núi, những người dân làng khác – không phải thành viên bộ tộc Tengger – lại tìm cách dùng vợt hoặc lưới để bắt lấy những lễ vật trước khi chúng biến mất vào làn khói nóng bốc lên cuồn cuộn. Hoạt động này không nằm trong nghi lễ song nhằm hưởng ứng lời kêu gọi ở địa phương nhằm tránh lãng phí thực phẩm.
Sự kiện ngày 26/6 đánh dấu mốc mùa lễ hội Yadnya Kasada thứ hai kể từ khi dịch COVID-19 tấn công Indonesia. “Nghi lễ này không thể tổ chức ở nơi khác hay làm trực tuyến. Nhưng ban tổ chức đã áp dụng các quy tắc y tế nghiêm ngặt. Mọi người phải làm xét nghiệm virus trước khi tham gia”, ông Bambang Suprapto, người đứng đầu cộng đồng Hindu ở khu vực này cho hay.
Tồn tại từ thế kỷ 15 đến nay, lễ hội Yadnya Kasada kể về truyền thuyết công chúa vương quốc Majapahit của người Hindu ở Java và chồng do không thể sinh con sau nhiều năm chung sống nên đã cầu xin thần linh giúp đỡ.
Lời cầu nguyện của họ đã ứng linh và được ban cho 25 người con song với điều kiện phải ném người con út vào miệng núi lửa Bromo. Tương truyền rằng người con trai này sẵn sàng nhảy vào núi lửa để đảm bảo sự thịnh vượng cho người dân Tengger.
Nghi lễ hiến tế này vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay với lễ vật là nông sản và gia súc, gia cầm.