Lĩnh vực giáo dục Trung Quốc hiện đang có quy mô lớn nhất toàn cầu. Năm 2012, Trung Quốc có gần 200 triệu học sinh học toàn thời gian. Với việc ra nhập WTO và cam kết mở rộng hơn nữa thị trường, cộng với sự kỳ vọng cao và đầu tư nhiều cho giáo dục ở các bậc cha mẹ trong khi hệ thống giáo dục chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân thì lĩnh vực giáo dục Trung Quốc đang và sẽ là một ngành kinh doanh hấp dẫn cho các viện giáo dục quốc tế trong tương lai gần.
Theo truyền thống, người Trung Quốc luôn đánh giá cao vai trò của giáo dục với sự phát triển. Truyền thống này được đề cao hơn khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách một con vào thập niên 1970. Cha mẹ thường đặt kỳ vọng lớn vào đứa con duy nhất của mình và sẵn sàng hi sinh bất cứ thứ gì có thể để đem lại cơ hội học tập tốt nhất cho con cái. Tiêu dùng cho giáo dục chiếm phần lớn trong chi tiêu của hộ gia đình. Ví dụ, các bậc phụ huynh ở hầu hết các thành phố sử dụng 1/3 thu nhập gia đình cho việc học hành của con cái và ở một vài thành phố thì chi tiêu này có thể lên tới 1/2 thu nhập. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa bên ngoài trường học như học piano, toán, nhảy, tiếng Anh cũng chiếm thêm một khoản tiêu dùng gia đình cho giáo dục.
Học sinh Trung Quốc tại một trường học ở Thượng Hải. Nguồn: CNN |
Nỗi "ám ảnh" quốc gia về vấn đề giáo dục được phản ánh trong chính sách của chính phủ Trung Quốc. Ngay khi bắt đầu quá trình cải cách kinh tế, Đặng Tiểu Bình coi giáo dục như nền tảng của “4 hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ). Năm 1983, Đặng Tiểu Bình đề ra “3 định hướng” cho hệ thống giáo dục Trung Quốc, khẳng định “giáo dục nhất định phải được định hướng để hiện đại hóa”. Trong năm đó, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước công bố Đề cương Cải cách Giáo dục và Phát triển ở Trung Quốc, nhấn mạnh “một quốc gia vững mạnh dựa trên nền giáo dục và một hệ thống giáo dục vững mạnh dựa trên giáo viên”.
Năm 1997, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 15 quyết định chiến lược phát triển quốc gia nên dựa vào khoa học và giáo dục. Năm 2004, Hội đồng Nhà nước xuất bản Kế hoạch hành động cho Đẩy mạnh Giáo dục từ năm 2003 đến 2007, đặt giáo dục như một ưu tiên chiến lược cho phát triển Trung Quốc hiện đại. Theo Cục thống kê Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc tăng dần mức độ đầu tư cho giáo dục từ năm 2006 (từ 5.161 tỷ nhân dân tệ, tức 2,82% GDP từ năm 2005 lên 20.772 tỷ nhân dân tệ, tức 4% GDP năm 2012). Năm 2010, Bộ Giáo dục ban hành Đề cương Kế hoạch quốc gia cho trung và dài hạn cải cách Giáo dục và Phát triển (2010-2020) với mục đích đưa Trung Quốc thành quốc gia đi đầu về công nghệ và tri thức.
Hệ thống giáo dục ở Trung Quốc thực hiện mô hình 6–3–3–3/4 (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông/học nghề, 2 hoặc 3 năm cao đẳng hoặc 4 năm đại học). Theo Luật Giáo dục bắt buộc của Trung Quốc thì học sinh phải bắt buộc học hết bậc trung học cơ sở. Trẻ em tham gia giáo dục bắt buộc được tới trường mà không cần phải khai báo hộ khẩu. Khi kết thúc học tiểu học, học sinh thường học tiếp trung học cơ. Học sinh muốn vào trung học phổ thông phải trải qua kỳ thi đầu vào để cạnh tranh cho các trường trường chất lượng tốt, những trường này là ngưỡng cửa quan trọng để vào đại học.
Công việc giảng dạy của giáo viên ở Trung Quốc dựa trên sự cạnh tranh nhằm thúc đẩy các hiệu trưởng và giáo viên làm việc chăm chỉ để đạt hiệu quả tốt hơn. Những hiệu trưởng và giáo viên giỏi thường dễ được thăng tiến và nhận tiền thù lao cao hơn. Với giáo viên không có trình độ tốt, cơ hội cho giảng dạy bị giới hạn. Thêm vào đó, việc trả lương dựa vào năng lực làm việc khiến giáo viên kém không chỉ mất mặt mà còn nhận mức lương thấp. Các bài kiểm tra cho học sinh diễn ra khá thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng, là chỉ số đánh giá giáo viên và học sinh. Do vậy, giáo viên và học sinh phải làm việc hết sức chăm chỉ để cải thiện chất lượng.
Việc coi trọng các bài kiểm tra giúp học sinh Trung Quốc xếp vị trí cao nhất toàn cầu trong các kỳ thi. Ví dụ, theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế tổ chức bởi OECD tổ chức 3 năm một lần, học sinh Thượng Hải đạt kết quả tốt nhất các môn toán, khoa học và đọc năm 2009, và kết quả tương tự cho năm 2012.
Tuy nhiên, việc quá đề cao các bài kiểm tra đòi hỏi học sinh phải học thuộc, ghi nhớ thông tin và làm theo hướng dẫn, dẫn tới hậu quả là học sinh có ít ý tưởng, tính sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Sự yếu kém này đã gây ra những lo ngại cho chính phủ Trung Quốc với mục tiêu xây dựng một xã hội ổn định và thịnh vượng dựa trên giáo dục và khoa học. Kết quả là nảy sinh nhiều hơn những cải cách mang tính gốc rễ đã được thực hiện dựa trên Đề cương Kế hoạch quốc gia cho trung và dài hạn cải cách Giáo dục và Phát triển.
Sự phát triển của hệ thống giáo dục đã cho phép đào tạo nhiều hơn công nhân có chuyên môn và tay nghề để đáp ứng những thay đổi của nền kinh tế. Việc cung cấp lực lượng lao động có đào tạo đã giúp thúc đẩy tăng trưởng. Giáo dục ở Trung Quốc không chỉ là một ngành kinh doanh lớn cho các nhà đầu tư công và tư nhân, đó còn là nhân tố then chốt cho động lực phát triển nền kinh tế nước này.
Đức Trung (Theo East Asia Forum)