Một ngôi nhà bỏ hoang trong thị trấn bị nhiễm phóng xạ. |
Ông Shinichi Niitsuma (70 tuổi) đang hào hứng dẫn khách tham quan đi thăm thị trấn nhỏ Namie. Nơi này cách đây 5 năm, một trận động đất mạnh 9 độ richter cùng cơn sóng thần khủng khiếp ập xuống làm rung chuyển dải bờ biển đông bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người. Cơn thịnh nộ của mẹ Trái Đất không chỉ dừng lại ở đó mà còn kéo theo tai họa phóng xạ ở Fukushima.
Giống như trại tập trung phát xít tại Phần Lan hay như Khu vực số 0 (Đài tưởng niệm 11/9) tại New York, khu vực bị tàn phá ở Fukushima trong mấy năm trở lại đây đã biến thành một trong những điểm thu hút khách du lịch tại xứ sở hoa anh đào. Hàng năm, có đến hơn 2.000 khách du lịch mạo hiểm đăng kí đến thăm các di tích bị ảnh hưởng, thậm chí cả những khu vực cấm vào do lo ngại lượng phóng xạ giải phóng ra ngoài môi trường.
“Ngoại trừ Chernobyl sẽ không có nơi nào giống như Fukushima cho bạn chứng kiến được cảnh tượng tàn phá tan thương mà thảm họa hạt nhân đem lại”, ông Niitsuma cho biết, “tôi muốn du khách trải nghiệm và có suy nghĩ về vấn đề này”. Do lo ngại ảnh hưởng của nồng độ phóng xạ quá lớn trong môi trường, người dân tại Namie – thị trấn chỉ các các cơ sở hạt nhân có 8 km đã buộc phải sơ tán khẩn cấp. Và cho đến nay sau 5 năm, vẫn chưa có một ai được phép trở về.
Ông Niitsuma là một trong nhóm 10 người dân địa phương Namie tình nguyện tổ chức các tour thăm quan quanh thị trấn. Những “hướng dẫn viên” nghiệp dư này đưa khách du lịch tới những tòa nhà, những vùng đất bỏ không do lực lượng chức năng chưa thể cải tạo trong mối lo ngại phóng xạ. Đội ngũ hướng dẫn viên bắt buộc phải sử dụng máy dò phóng xạ để tránh những khu vực nguy hiểm.
Trong một ngôi trường tiểu học ở Namie, tất cả đồng hồ đều dừng ở vị trí 3:38 phút chiều – khoảnh khắc đánh dấu thảm họa sóng ập xuống cuốn trôi mọi thứ. Bà Akiko Onuki (61 tuổi) - một cựu giáo viên trung học - là người may mắn sống sót cho biết hiện một trong những học sinh của bà cũng thuộc nhóm hướng dẫn viên tình nguyện. Bà chia sẻ mong ước “sau này sẽ không có một ‘Fukushima’ thứ hai”.
Nữ du khách Chika Kanezawa vẫn còn thấy sốc và kinh hoàng trước khung cảnh tan hoang tại “thị trấn ma” Namie. Cô bày tỏ “TV, báo đài suốt ngày đưa tin quá trình tái thiết vẫn diễn ra đúng kế hoạch, cuộc sống đang dần trở lại bình thường, nhưng trong thực tế, chẳng có gì thay đổi cả. Tuy đây không phải là chuyến đi vui vẻ, nhưng nó lại thực sự cần thiết với chúng tôi”.
Tổ chức bảo tồn Greenpeace tuần trước báo cáo đã phát hiện ra khủng hoảng hạt nhân Fukushima bắt đầu ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên ở những khu rừng xung quanh. Tại đây xuất hiện nhiều đột biến thực vật, cũng như DNA của các loài ấu trùng có nhiều dấu hiệu bị biến đổi.
Thảm họa Fukushima 2011 đã buộc giới chức Nhật Bản đóng cửa hàng chục nhà máy hạt nhân trong hai năm trước sức ép của dư luận lo lắng về độ an toàn và khả năng cao tiếp xúc với phóng xạ. Nhưng hiện nay, chính phủ lại bắt tay vào việc vận hành lại các nhà máy, với tuyên bố đất nước cần phải phát triển năng lượng hạt nhân.