Theo chiều dài lịch sử của đất nước, kết tinh từ sự khéo léo của các thế hệ thợ thủ công, kimono đã phát triển lên tới tám loại, gồm Furisode, Tomesode, Hõmongi, Tsukesage, Komon, Tsumugi, Yukata và Shiromaku. Trong số các kiểu kimono trên, Komon là loại được người dân Nhật Bản sử dụng phổ biến nhất nhưng lại là ít được người nước ngoài biết đến nhất. Bởi vì khi đứng cạnh những loại kimono rực rỡ khác, kimono Komon sẽ trở nên khiêm nhường với những màu sắc và hoạ tiết vô cùng giản dị.
Đóng họa tiết bằng khuôn Ise Katagami lên một tấm vải. |
Để tìm hiểu về bản chất của Komon, có lẽ cần tìm về lịch sử phát triển của nó. Ngay từ cái tên Komon (Tiểu văn), nghĩa là “họa tiết nhỏ”, cũng đã thấy tính chất khiêm nhường của kimono Komon. Họa tiết Komon xuất hiện vào cuối giai đoạn Heian (giữa thế kỷ 12). Vào thời kỳ đó, họa tiết Komon là hình bông hoa sakura nhỏ (kozakura - tiểu sakura). Đến thời kỳ Muromachi, đánh dấu sự thống trị của Mạc phủ Ashikaga, Komon bắt đầu được sử dụng để trang trí cho kamishimo, một loại áo khoác không tay là lễ phục chính thức của các kiếm sĩ (samurai). Vào thời kỳ đó, kimono của thường dân không được phép sử dụng màu sắc sặc sỡ mà chỉ được hạn chế trong hai màu xám, nâu và các loại vải thường gồm lụa mộc, vải bông và vải dệt từ cây gai. Tuy nhiên, khi các samurai lên nắm quyền, trong các nghi lễ bán chính thức, họ không thể mặc những bộ trang phục quá đơn giản.
Nhưng là kiếm sĩ, các samurai cũng không thể khoác lên mình những bộ kimono rực rỡ sắc màu. Họa tiết Komon với vẻ đẹp giản dị của nó đã trở thành sự lựa chọn phù hợp nhất. Những bộ kimono với họa tiết Komon li ti giúp cho các samurai có một bộ trang phục sang trọng, song cũng không hề rực rỡ để bị đánh giá là phô trương. Tên gọi Edo Komon được đặt cho loại họa tiết này là nhằm đánh giá cao gu thẩm mỹ tinh tế và thanh lịch của người dân kinh thành Edo (tên gọi của thủ đô Tokyo thời phong kiến).
Để tạo nên được Edo Komon đòi hỏi nhiều công đoạn trong đó công đoạn đầu tiên là chuẩn bị loại giấy làm khuôn họa tiết có tên gọi là Ise Katagami. Đây là loại giấy đặc biệt của vùng Ise thuộc tỉnh Mie, được phủ tinh dầu của cây hồng vàng nên không bị nhiệt độ và độ ẩm làm co giãn cũng như không thấm nước. Sau đó, các thợ thủ công sẽ tiến hành chạm trổ họa tiết Komon lên giấy Ise Katagami. Có thể nói, việc tạo ra được những họa tiết Edo Komon tinh xảo trên kimono phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của các thợ thủ công. Để khắc được họa tiết, thợ thủ công sẽ dùng một lưỡi dao nhỏ xuyên qua tờ giấy và sau đó sẽ di chuyển theo sự sáng tạo của mình để tạo ra các họa tiết.
Họa tiết được in lên vải từ khuôn Ise Katagami. |
Kỹ thuật khắc hoạ tiết Goku, đòi hỏi tính tỉ mỉ và sự chính xác cao độ vì có tới 900 đến 1.000 họa tiết trên một diện tích khoảng 3 cm2. Đối với hoạ tiết kẻ sọc, một tờ Ise Katagami hoàn hảo phải có 33 sọc trên một diện tích có độ rộng khoảng 2,5 cm. Nếu đứng một khoảng cách xa, không thể nhận thấy các hoa văn trên vải mà chỉ cảm giác đó là một bộ kimono trơn, giản dị. Tuy nhiên, khi tiến đến gần, có thể thấy hàng nghìn họa tiết nhỏ xíu, đường nét thanh mảnh nhưng rõ ràng in trên mặt vải.
Trong thời kỳ đầu, các kiểu hoạ tiết Komon cơ bản được tạo ra không nhiều. Tuy nhiên, với tay nghề ngày càng được nâng cao, các thợ thủ công đã tạo ra nhiều loại hoạ tiết Edo Komon khác nhau để đáp ứng yêu cầu của các lãnh chúa về việc mỗi một dòng họ có một loại họa tiết riêng. Từ chỗ chỉ có “kozakura”, Komon đã có hàng chục loại họa tiết được đặt hàng như là tấm danh thiếp giới thiệu về các gia đình lãnh chúa. Các bộ Kimono mang hoạ tiết riêng của từng dòng họ sẽ trở thành vật gia bảo được truyền từ đời này sang đời khác.
Công đoạn tiếp theo là in hoạ tiết lên vải. Thợ thủ công sẽ đặt vải lên một tấm bìa cứng, sau đó đặt tờ giấy có khắc hoạ tiết lên trên tấm vải, quét lớp hồ làm nền trước khi quét màu. Sau khi màu nhuộm khô, tấm vải sẽ được đem giặt để trôi lớp hồ song các hoạ tiết vẫn không hề bị mất màu. Một điều đặc biệt là các phẩm màu được dùng để in hoạ tiết hoàn toàn làm từ màu thực vật gồm bột gạo, cám... Tùy thuộc vào tay nghề cũng như nhu cầu của sản phẩm mà thợ thủ công sẽ trộn các chất liệu trên thành các phẩm màu khác nhau.
Nói đến Edo Komon thì không thể quên Edo Sarasa, một loại hoạ tiết được phát triển tại Nhật Bản vào cuối thời Edo, tức là giai đoạn phát triển đỉnh cao của Edo Komon. Edo Sarasa có nguồn gốc từ Ấn Độ được du nhập vào Nhật Bản vào đúng thời kỳ các thợ thủ công muốn làm phong phú thêm các họa tiết in trên Kimono. Edo Sarasa hoàn toàn dùng kỹ thuật nhuộm của Edo Komon nhưng họa tiết phong phú hơn. Đặc biệt, kỹ thuật in hoạ tiết của Edo Sarasa có thể dùng nhiều giấy khuôn, mỗi giấy có một phần của hoạ tiết, lần lượt đặt lên mặt vải quét màu để có một hoạ tiết hoàn chỉnh. hoạ tiết Edo Sarasa có thể là hình vẽ các sinh vật tự nhiên, phong cảnh, hình các nhân vật trong kịch kabuki của Nhật Bản. Trong thời hiện đại, Edo Sarasa càng trở nên phong phú khi thợ thủ công vẽ tay lên các tấm vải đã được in hoạ tiết. Mỗi một tấm vải Edo Sarasa sẽ trở nên độc đáo, mang bản sắc riêng sau khi được bàn tay khéo léo của các thợ thủ công điểm xuyết thêm những nét vẽ cầu kỳ.
Đứng cạnh các trang phục kimono màu sắc và hoa văn cầu kỳ khác, kimono Komon không hề nổi bật nếu như chỉ nhìn từ xa hoặc lướt qua. Tuy nhiên, càng quan sát kỹ, chúng ta không khỏi khâm phục sự kỳ công để tạo nên một bộ kimono với hàng nghìn hoa văn. Có thể nói, Edo Komon dường như đã thể hiện đầy đủ tính cách của dân tộc Nhật Bản kiên trì, tinh tế, duy mỹ và vô cùng sâu sắc.