Du lịch truyền thống cạnh tranh “du lịch online”

Xu thế “du lịch trực tuyến” đang đặt ngành du lịch Singapore vào sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và khiến nhiều công ty hoạt động theo kiểu truyền thống phải đóng cửa. Các con số thống kê của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho thấy chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 86 công ty du lịch phải đóng cửa, nhiều hơn con số 80 doanh nghiệp được cấp phép đăng ký mới.

Với đà này, STB dự báo số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành "công nghiệp không khói" tại đảo quốc Sư tử phải đóng cửa trong năm nay sẽ vượt qua con số 114 của năm ngoái. Đây là tình trạng đáng báo động kể từ năm 2011, khi mà số doanh nghiệp ngưng hoạt động đã tăng sau 5 năm giảm.

Ngành du lịch Singapore đang trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.



Trong khi đó, số doanh nghiệp du lịch được cấp phép trong năm 2014 là 159, giảm so với 163 doanh nghiệp trong năm 2013.

Theo tiến sĩ Michael Chiam, giảng viên du lịch cao cấp tại Trường Cao đẳng Ngee Ann, lợi nhuận mỏng và cạnh tranh khốc liệt đã đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào tình trạng khó khăn, trong khi hành khách có hiểu biết về Internet đang tự lên kế hoạch cho các hành trình của mình và “xa rời” các đại lý du lịch.

Bà Kay Swee Pin, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý khách du lịch quốc tế Singapore (SOTAA), cho biết: "Thực tế, có quá nhiều đại lý du lịch trong một thị trường nhỏ như Singapore". Tính đến tháng 12/2014, đã có trên 1.200 đại lý du lịch được cấp phép, tăng từ 973 vào năm 2010 và 735 vào năm 2005.

Những đại lý du lịch nhỏ thường cạnh tranh bằng việc đưa ra các mức giá thấp, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi mô hình kinh doanh của họ trở nên không bền vững.

Ông Sameer Gupta, chủ sở hữu của công ty du lịch Main Street, cho hay nợ đọng vốn tại các doanh nghiệp đối tác cũng như chi phí kinh doanh ngày càng tăng cao tại địa phương khiến doanh nghiệp của ông gặp rất nhiều khó khăn. “Tình trạng này sẽ khiến nhiều đại lý du lịch bán lẻ phải rời bỏ cuộc chơi và nhường thị trường cho các công ty khác,” ông Sameer Gupta nói.

Không chỉ các công ty nhỏ, ngay cả những doanh nghiệp du lịch lớn cũng đã phải “ra đi”. Vào tháng 5 vừa qua, một công ty khá tên tuổi là Asia - Euro đã phải đóng cửa sau 13 năm hoạt động. Trước đó, năm ngoái Five Stars - một công ty du lịch nổi tiếng khác, cũng tuyên bố phá sản...

Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp du lịch đang kêu gọi các hành động thiết thực nhằm cứu vãn ngành. "STB nên thắt chặt các quy định hiện hành về các yêu cầu vốn đã thanh toán cũng như thực hiện kiểm toán hàng năm đối với các công ty du lịch để đảm bảo vấn đề tài chính không phải là một nguy cơ", bà Alicia Seah - Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty du lịch Dynasty - cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, bà Kay Swee Pin, chủ tịch SOTAA, cũng cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ xung quanh việc doanh nghiệp du lịch sử dụng các nguồn kinh phí thu từ khách hàng.

Và trong khi chờ đợi tiếng nói từ nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch đều nhất trí rằng việc liên tục đổi mới chính là chìa khóa để các doanh nghiệp tồn tại trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, thích ứng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

"Chúng tôi đang tích cực theo đuổi công nghệ mới, đổi mới sản phẩm dịch vụ và các giải pháp thanh toán bên cạnh các giải pháp truyền thống, mặc dù điều này quả là không dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ khi cạnh tranh," bà Alicia Seah nói.

Bên cạnh đó, một quan chức của Công ty du lịch Grassland Express cho hay đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp đối với loại hình du lịch truyền thống đã thay đổi. “Chúng tôi đang tập trung vào tùy biến các tour du lịch cho người cao tuổi, nhóm gia đình cũng như tìm kiếm những cách thức để lôi kéo cả những khách du lịch trẻ tuổi", quan chức này cho biết.

Mặt khác, theo ông Ram Samtani, Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý du lịch quốc gia Singapore (NATAS), các công ty lữ hành cũng cần phải cơ cấu lại và đổi mới phương thức hoạt động của mình. "Khách du lịch ngày nay muốn tìm kiếm một sự trải nghiệm chứ không đơn thuần chỉ là một kỳ nghỉ”, ông Ram Samtani nhấn mạnh.
Mỹ Bình (P/v TTXVN tại Singapore)
Tiếp thị cho du lịch
Tiếp thị cho du lịch

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố chẳng mấy vui, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 (2015) chỉ đạt 529.000 lượt khách, giảm 1,9% so với tháng 6 năm ngoái...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN