“Cổ cồn hồng” lên ngôi

Cùng với sự thay đổi trong tiến trình phát triển của xã hội, xu thế chọn ngành nghề của con người tại mỗi thời điểm cũng có sự khác nhau. Tại Trung Quốc hiện nay, xu hướng thanh niên thi tuyển vào các đơn vị nhà nước đang tăng lên rõ rệt, trào lưu “cổ cồn hồng” – dân công chức - bước vào giai đoạn thịnh vượng, đang dần thay thế cho trào lưu “cổ cồn trắng” trước kia.

Khi “cổ cồn trắng” không còn được trắng

Theo báo “Thanh niên Trung Quốc”, vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi ở Thượng Hải bắt đầu mọc lên một số tòa cao ốc đầu tiên, cùng với nó, cụm từ “cổ cồn trắng” cũng đã xuất hiện. Cụm từ này chỉ dân văn phòng hay những người làm trong các doanh nghiệp, các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, có thu nhập khá, “ăn trắng mặc trơn”. Cùng với sự phát triển nhanh chóng và sâu rộng của cải cách mở cửa, số lượng “cổ cồn trắng” có lúc đã lên tới vài trăm triệu người. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, họ là nhân vật chính trong các thành phố lớn với công việc bận rộn, đời sống sung túc với phong thái “công sở”, tượng trưng cho tầng lớp “trung lưu” có địa vị, có năng lực, trí tuệ và đã có thời là mục tiêu cuộc đời mà rất nhiều người theo đuổi, là tiêu chuẩn của xã hội thời thượng này.

Bước sang thế kỷ 21, thời hoàng kim của “cổ cồn trắng” đã không còn như xưa. Ngoài áp lực về nhà cửa, họ còn chịu áp lực rất lớn của công việc, hơn nữa, họ cũng mang trên mình những căn bệnh đặc trưng của giới “cổ cồn trắng” như thoái hóa đốt sống cổ, mất ngủ kinh niên… Rất nhiều người có “thu nhập trung lưu” nhưng không được hưởng “đời sống trung lưu”. Theo điều tra, có trên 70% “cổ cồn trắng” ở trong tình trạng “sức khỏe loại B”; 38% mắc các bệnh do ít vận động như thoái hóa đốt sống lưng và eo; 32% có vấn đề về đường tiêu hóa; 22% có vấn đề về mắt… Ngày càng có nhiều người nhận thấy rằng: “cổ cồn trắng” là một cụm từ nghe rất hay, nhìn rất đẹp, song lại có một cuộc sống vất vả với đồng tiền kiếm được đầy mồ hôi, nước mắt.

Một mặt khác của vấn đề là con đường phát triển của "cổ cồn trắng" hiện đang gặp rất nhiều trở ngại, rất không thuận lợi: Từ chế độ hộ tịch đến cơ chế phân phối của cải, từ qui tắc nghề nghiệp đến qui định bất thành văn, phát triển cá nhân, mua nhà… Tuy tầng lớp trung lưu cũng có “cổ cồn trắng” và trong “cổ cồn trắng” cũng có trung lưu, nhưng khái niệm “cổ cồn trắng” và khái niệm “tầng lớp trung lưu” ngày càng xa nhau hơn.

Điều này phơi bày một thực tế rằng, vẻ ngoài đẹp đẽ của “cổ cồn trắng” và nhu cầu cuộc sống nội tại của những người mong muốn một cuộc sống “trung lưu” đang ngày càng không ăn nhập và nảy sinh không ít mâu thuẫn. Nhiều người ví von rằng, “cổ cồn trắng” đang ngày một “mất màu” và không mấy người còn hào hứng với việc khoác lên mình chiếc áo với cổ áo không còn được trắng nữa.

Từ “trắng” chuyển sang “hồng”

Trong thời đại xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay thì “cổ cồn hồng” – dân công chức - ngày càng trở nên được ưa chuộng hơn. Mặc dù xếp hạng sau “cổ cồn vàng” (nhân viên cao cấp) và “cổ cồn trắng”, song “cổ cồn hồng” lại có lợi thế về thu nhập ổn định, phúc lợi đảm bảo và ít bị lo sa thải hơn.

Khi Trung Quốc mới bắt đầu cải cách mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, đổ vào thị trường Trung Quốc, thanh niên ai cũng mong được vào làm ở đó, được bước vào hàng ngũ “cổ cồn trắng”. Khi Trung Quốc gia nhập WTO và ngành tài chính Trung Quốc ngày một phát triển hơn, “cổ cồn vàng” lại trở thành đối tượng được nhiều người mơ ước. Tầng lớp “cổ cồn vàng” (CEO) có ưu điểm tuyệt vời: Họ phải là những người có phẩm chất phi phàm, kinh nghiệm trong ngành và tri thức chuyên môn cao mà những người bình thường với nỗ lực bình thường không thể có được.

Tuy nhiên, cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã khiến “cổ cồn vàng” bỗng chốc thành “cổ cồn mạ vàng”. Giai cấp CEO cũng lên xuống như thị trường cổ phiếu và cũng khiến mọi người nhìn ra sự không ổn định của thu nhập cao. Hơn nữa, “cổ cồn vàng” cũng phải chịu áp lực rất lớn mà không phải người thường nào cũng có thể chịu được. Khi vị trí số một và số hai trong bảng xếp hạng lựa chọn ngành nghề bộc lộ sự thất thế, thanh niên Trung Quốc bắt đầu chú ý đến vị trí số ba, vậy nên, cơn sóng “cổ cồn hồng” cũng đến lúc khởi sắc.

Ngô Chính Cảo, Giám đốc tài chính Tập đoàn giáo dục Hoa Đồ, nơi góp phần không nhỏ trong việc giúp phổ cập từ “cổ cồn hồng”, cho biết “cổ cồn hồng” rất hình tượng, nói rõ Trung Quốc là “chính quyền hồng”, tượng trưng cho nhân viên công vụ. Tập đoàn Hoa Đồ đã lập ra cơ cấu bồi dưỡng, sát hạch nhân viên công vụ với hy vọng những thanh niên thích yên ổn, mang giấc mộng “cổ cồn hồng” cũng sẽ kiếm được nhiều tiền, giúp đỡ các sinh viên này phán đoán xem mình có tố chất phù hợp và có khả năng để làm nhân viên công vụ hay không.

Ngô Chính Cảo cũng hy vọng trong quá trình truyền bá tự nhiên, từ “cổ cồn hồng” có thể thu thập thêm được nhiều nội hàm, ví dụ, “cổ cồn hồng” tự giác thực hiện sứ mạng của người công chức, thúc đẩy cơ cấu chính quyền phục vụ công chúng tốt hơn nữa…

Ở Trung Quốc hiện nay có khoảng 50 triệu công chức ăn lương nhà nước. Từ khi việc thi tuyển công chức bắt đầu được công khai ra xã hội thì cánh cửa nặng nề bước vào cơ quan quản lý hành chính nhà nước cũng đã được mở ra cho công chúng. Quần chúng nhân dân gọi việc bước vào giới công chức đó một cách hình tượng là bước vào tầng lớp “cổ cồn hồng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN