Một tiểu thương với thùng cua ở chợ cá Noryangjin, Seoul. |
Noryangjin là khu chợ cá lâu đời và lớn nhất ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Nổi tiếng với các mặt hàng hải sản tươi sống, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch thu hút bước chân du khách đến với xứ sở kim chi. Nhiều người đến đây để trải nghiệm món bạch tuộc tươi sống được chế biến với dầu vừng ngay tại chợ.
Nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời ở phần phía nam của thành phố, Noryangjin hoạt động gần như 24 tiếng một ngày và 7 ngày trong tuần, phục vụ đủ các đối tượng khách hàng sỉ và lẻ, từ hộ gia đình đến các nhà hàng sang trọng. Ở Noryangjin, người ta truyền tai nhau câu nói tại đây chỉ có người gà gật chứ không bao giờ có kẻ ngủ.
Từ lâu, hình ảnh đặc trưng của khu chợ ẩm ướt với bạt ngàn những thùng hải sản nhiều chủng loại nối thành những hàng dài, những người bán hàng mang tạp dề, đi ủng cao su không ngừng di chuyển và tranh giành khách ồn ã đã ăn sâu vào tâm trí của người Hàn Quốc và du khách.
Nhưng thời gian gần đây, khi nói đến chợ Noryangjin, người ta nói đến câu chuyện hiện đại hóa các khu chợ truyền thống ở thủ đô của Hàn Quốc. Và như nhiều khu chợ truyền thống khác, tiểu thương chợ hải sản này cũng từ chối chuyển vào địa điểm mới được xây dựng nằm bên trong một cơ sở trị giá 500 triệu USD, hiện đại, bóng loáng với thép và kính, được thiết kế theo hình dạng của một chú cá heo nằm ngay bên cạnh.
Theo Lee Seung-ki, người đại diện ủy ban tiểu thương được lập ra với nhiệm vụ thúc đẩy việc hiện đại hóa khu chợ cá, việc di chuyển địa điểm sẽ dẫn tới hậu quả “phá hủy hoàn toàn thương hiệu chợ Noryangjin”. Như nhiều tiểu thương khác, ông Beak Kyung-Boo, 73 tuổi cùng vợ đã buôn bán ở đây từ năm 1971, thời điểm khu chợ ra đời. Một ngày thông thường của ông lão bán cá họ Baek bắt đầu vào lúc 3h30 và ông về nhà sau 15 tiếng làm việc. “Noryangjin là cuộc sống của tôi”, ông nói. Với những người như ông Baek, hình ảnh, âm thanh, mùi vị lẫn những hỗn loạn nơi đây đã trở thành cuộc sống của họ.
Bên cạnh những băn khoăn của giới tiểu thương ở chợ về giá thuê mặt bằng mới quá cao, ông Yoo Seung-hee với thâm niên 35 năm bán cá ở chợ Noryangjin cho biết thêm: “Chắc chắn vị trí mới sẽ hiện đại và sạch sẽ, nhưng các quầy hàng quá nhỏ. Tôi gần như chết ngất khi họ thông báo về khu chợ mới”. “Nó thậm chí không bằng nửa không gian hiện tại của chúng tôi”, tiểu thương Song Yong-Shik bổ sung thêm.
Đầu những năm 2000, Tập đoàn Suhyup soạn thảo kế hoạch di dời chợ Noryangjin. Qua 23 vòng đàm phán, đơn vị quản lý cho hay tất cả các vấn đề đã được giải quyết và vạch ra một tương lai cho khu chợ mới với những nhà hàng nhìn ra bờ sông cũng như những các quán café sân thượng có thể tổ chức các buổi hòa nhạc... Nhưng sáu tháng trôi qua từ ngày tòa nhà sẵn sàng chào đón người thuê mặt bằng vào tháng 10/2015, chỉ có bãi đỗ xe và hệ thống làm lạnh tầng hầm đi vào hoạt động.
Trước sự phản ứng của tiểu thương, đơn vị quản lý vẫn kiên quyết quan điểm địa điểm hiện tại đã quá cũ kĩ, hoạt động không có hiệu quả và tiềm tàng nguy hiểm. “Tòa nhà hiện tại đã trên 40 năm tuổi. Nhiều phần của tòa nhà đang mòn dần và gây nguy hiểm với cả người bán lẫn người mua”, ông Kim Duck-ho của tập đoàn Suhyup cho biết.
Với đề xuất mới cho 681 quầy hàng nhằm đảm bảo kế hoạch hoàn thành việc di chuyển trước ngày 15/3 và được tuyên bố là đôi bên cùng có lợi, ông Kim cảnh báo: “Chúng tôi đang khuyến khích tiểu thương chấp nhận giải pháp này. Nếu không, chúng tôi sẽ coi đó là việc vi phạm hợp đồng và thuê các tiểu thương mới”.
Thời hạn chót đang đến, song thông điệp phản đối của tiểu thương vẫn không có dấu hiệu lắng xuống. Vác hoạt động biểu tình diễn ra với tần suất 2 lần/tuần. Giơ cao câu khẩu hiệu “đấu tranh trong đoàn kết” vì một “Noryangjin không thể đánh mất bản sắc”, đoàn người diễu qua khu vực vốn được lập ra thuần túy dành cho hoạt động buôn bán hải sản.