Theo trang Daily Mail (Anh), Maura Williams, nghiên cứu sinh ngành vật lý ứng dụng tại trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) đã thiết kế một cây thông Noel làm từ các nguyên tử riêng lẻ chỉ cao 4 nanomet, chưa tính phần ngọn cây.
Được biết đây chính là đồ án tốt nghiệp của Williams. Theo đó, cô đã sử dụng một thiết bị được gọi là kính hiển vi quét xuyên hầm (Scanning tunneling microscope) để quét từng nguyên tử riêng lẻ và thay đổi vị trí của chúng.
Williams đã tách 51 nguyên tử ra khỏi một mạng tinh thể hoàn chỉnh và thu được cấu trúc giống hình cây thông Noel. Kết quả cuối cùng cô đã cho ra đời một cây thông Noel siêu nhỏ màu xanh lá cây, có kích thước gần bằng một sợi DNA, nhỏ hơn 40.000 lần sợi tóc của con người.
Công nghệ mà Williams sử dụng thường được các nhà khoa học dùng để nghiên cứu các đặc tính cơ học lượng tử riêng lẻ của từng nguyên tử. Cây thông Noel nhân tạo tí hon của Williams cũng đã được coi là một thành tựu lớn.
Trong khi cây thông Noel tí hon có kích thước siêu nhỏ, cây thông Noel nhân tạo lớn nhất thế giới được cho là cao gần 72 mét. Được đặt tại Sri Lanka, cây thông này cũng đã lập kỷ lục Guinness thế giới với chiều cao vô cùng ấn tượng.
Các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nhiều thí nghiệm thú vị tương tự để hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh và mang đến nhiều kết quả vô cùng bất ngờ. Hồi tháng 10 vừa qua, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Leiden (Hà Lan) cũng đã tạo ra một chiếc thuyền in 3D có độ dày chỉ bằng 1/3 sợi tóc người. Chiếc thuyền siêu nhỏ này chỉ có kích thước 30 micromet (khoảng 0,001 inch) và phải cần kính hiển vi điện tử để chụp hình ảnh của vật thể đã hoàn thành.