Phương pháp cấy ghép được sử dụng cho những bệnh nhân bị suy nội tạng và được chẩn đoán là không còn sự lựa chọn điều trị nào khác. Đặc biệt, việc sử dụng nội tạng của động vật để cấy ghép cho người có thể trở thành cứu cánh cho rất nhiều bệnh nhân đang tuyệt vọng. Theo số liệu của tổ chức Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng, ở Mỹ trung bình có 22 người thiệt mạng mỗi ngày vì không có đủ bộ phận cơ thể để cấy ghép.
Cấy ghép nội tạng lợn liệu có an toàn?
Từ lâu, lợn được hy vọng sẽ là nguồn tạng cấy ghép chủ yếu cho người, vì nhiều bộ phận cơ thể của chúng có kích thước, cấu trúc và chức năng rất giống con người trong đó có tim, thận, gan và phổi. Điển hình như tim lợn cũng có 4 ngăn và máu chảy qua tim lợn có cơ chế hoạt động giống hệt dòng máu chảy trong tim người.
Đầu năm 2017, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới Smithfield Foods của Mỹ đã thành lập một công ty sinh học riêng với mục đích cung cấp sản phẩm cho y tế và cấy ghép tạng lợn cho người. Công ty sinh học Smithfield Foods - liên kết với Viện nghiên cứu sinh học công nghệ cao của Mỹ - đã tìm cách phát triển tế bào, mô và các cơ quan của con người.
Tuy nhiên, nhiều nỗ lực trước đây trong việc cấy ghép tạng từ lợn sang người gặp thất bại vì sự khác biệt di truyền khiến phần nội tạng cấy ghép “tự đào thải” hoặc chứa nhiều virus tăng nguy cơ lây nhiễm. Do những lo ngại về an toàn về virus lợn có thể truyền sang người, năm 2001, một công ty dược của Thụy Sỹ có tên Novartis AG buộc phải từ bỏ chương trình cấy ghép tạng lợn dù trước đó đã đầu tư tới 1 tỷ USD.
Xét về mặt áp dụng thực tiễn, có hai vấn đề lớn mà các nhà khoa học phải giải quyết trước khi thực hiện cấy ghép. Đầu tiên, dù nội tạng lợn có sự tương đồng cao về kích cỡ và chức năng bộ phận, chúng vẫn bị hệ miễn dịch của con người đào thải. Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà các nhà khoa học phải vượt qua là loại bỏ virus có tên nội sinh lợn (PERV) khỏi con vật nuôi lấy thịt.
Loại virus này không gây hại cho lợn nhưng có thể là mối nguy đối với con người, đặc biệt đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Virus PERV có thể lây nhiễm từ lợn sang cơ thể người qua đường thức ăn và có khả năng sao chép trong tế bào người, gây nguy cơ lớn về một dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học cũng như sự kiên trì của các nhà nghiên cứu, hai bài toán “khó nhằn” trên dường như đã có lời giải đáp.
Cơ hội hé mở
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm khoa học trường Đại học Alabama (Mỹ), với kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR, con người có thể điều chỉnh gen động vật nhằm giúp bệnh nhân tiếp nhận nội tạng được cấy ghép hạn chế hiện tượng đào thải hơn. Kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR là kỹ thuật cắt bộ gen của tế bào tại những vị trí mong muốn, cho phép loại bỏ những gen hiện có và thêm vào những đoạn ADN mới.
Hai nhà khoa học chuyên nghiên cứu ghép dị chủng, Joseph Tector và David Cooper, đã tìm ra đoạn gen mấu chốt của lợn gây ra sự đào thải từ cơ thể người. Bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, họ sẽ loại bỏ phần gen “gây nhiễu” trên để tạo ra những chú lợn hoàn toàn mạnh khỏe, có thể hiến tạng cho con người.
Nhằm đảm bảo nội tạng của lợn không có virus hay vi sinh vật lây nhiễm, các nhà nghiên cứu Đại học Alabama còn tạo ra các mẫu thử đối với 30 tác nhân lây nhiễm khác.
Sau khi kiểm tra các mẫu thử trên 9 con lợn mẹ và 22 con lợn con, nhóm nghiên cứu xác định kết quả thử nghiệm đạt độ “chính xác cao”. Trưởng nhóm nghiên cứu Mark Prichard tự hào tuyên bố các mẫu thử có triển vọng rất lớn, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên cấy ghép nội tạng dị chủng, trong hành trình con người tìm kiếm động vật phù hợp để có thể sử dụng nội tạng thay thế cho bệnh nhân.
Trong khi đó, trên một bài báo Japan News xuất bản tháng 3/2018, một nhóm nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố đã lai tạo ra một con lợn có thể sử dụng để cấy ghép tạng cho người.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là con lợn đầu tiên được tạo ra để cấy ghép tạng dựa trên những quy định của Nhật Bản về cấy ghép dị chủng. Theo đó, con lợn được nuôi trong môi trường sạch, biệt lập và trải qua quá trình xét nghiệm 40 loại virus nhằm ngăn bệnh truyền nhiễm. Nhóm nghiên cứu Nhật Bản dự định cung cấp những con lợn đặc biệt này cho một công ty tư nhân vào đầu năm 2019.
Các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực cấy ghép nội tạng lợn cho người có nhiều triển vọng phát triển. Ảnh: Getty Images
Hai nhà khoa học chuyên nghiên cứu ghép dị chủng, Joseph Tector và David Cooper, đã tìm ra đoạn gen mấu chốt của lợn gây ra sự đào thải từ cơ thể người. Bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, họ sẽ loại bỏ phần gen “gây nhiễu” trên để tạo ra những chú lợn hoàn toàn mạnh khỏe, có thể hiến tạng cho con người.